EU chia rẽ về ngân sách người di cư

Với 438 phiếu ủng hộ, 194 phiếu chống và 7 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua kế hoạch ngân sách năm 2017 của Liên minh châu Âu (EU) với tổng trị giá lên tới 157,86 tỷ EUR (167,82 tỷ USD). Trong đó, có 6 tỷ EUR để giúp giải quyết vấn đề đảm bảo an ninh và cuộc khủng hoảng người di cư được coi là lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai (cao hơn 11,3% so với năm 2016).
EU chia rẽ về ngân sách người di cư

Với 438 phiếu ủng hộ, 194 phiếu chống và 7 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua kế hoạch ngân sách năm 2017 của Liên minh châu Âu (EU) với tổng trị giá lên tới 157,86 tỷ EUR (167,82 tỷ USD). Trong đó, có 6 tỷ EUR để giúp giải quyết vấn đề đảm bảo an ninh và cuộc khủng hoảng người di cư được coi là lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai (cao hơn 11,3% so với năm 2016).

Tái sắp xếp người di cư

Kế hoạch trên sẽ được Chủ tịch EP Martin Schulz ký thành luật trước khi có hiệu lực. Để bù đắp cho các khoản chi phí cao hơn dành cho người di cư và việc làm, EU đã đồng ý cắt giảm các khoản chi tiêu khác và cắt giảm kinh phí dành cho các khu vực kém phát triển nhất trong khối, chủ yếu ở Đông Âu, với mức cắt giảm gần 24% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều nhà ngoại giao cho rằng, quyết định này có thể mở đường cho việc cắt giảm nhiều hơn nữa trong những năm tới và sẽ gây ra những phản ứng trái chiều tại những quốc gia bị cắt giảm các khoản hỗ trợ vì người di cư.

Người di cư sống vạ vật tại biên giới Macedonia và Hy Lạp

Kế hoạch ngân sách năm 2017, tính đến cả các khoản chi nhằm giúp các nước thành viên tái sắp xếp những người di cư, mở thêm trung tâm tiếp nhận người tị nạn, tái hòa nhập những người đủ điều kiện nhập cư vào châu Âu hoặc đưa trở về những người không đủ điều kiện. Khoản ngân sách mới dành cho người di cư được đưa ra trong bối cảnh các nước EU vẫn bất đồng về phân bổ hạn ngạch người di cư.

Hiện nay, EU vẫn đang nỗ lực để thực thi thỏa thuận đạt được hồi tháng 9 vừa qua trong việc phân bổ tới các nước thành viên 160.000 người xin tị nạn, chủ yếu là người Syria, Iraq và Eritrea, tạm trú ở Italia và Hy Lạp.

Cho đến nay, khoảng 7.500 người tị nạn trong số này đã được tái phân bổ tới nơi ở mới. Tuy nhiên, các nước Đông Âu vẫn không ngừng phản đối hạn ngạch phân bổ cho từng nước trong khi nhiều quốc gia EU khác vẫn tỏ ý chần chừ. Hungary và Slovakia còn khiếu nại lên Tòa án Công lý châu Âu để phản đối kế hoạch chia sẻ tiếp nhận người tị nạn của EU.

Italia dọa phủ quyết

Kế hoạch ngân sách mới của EU còn gặp thêm một rào cản từ Italia - một trong những thành viên có tiếng nói quan trọng trong khối. Thủ tướng Italia Matteo Renzi tuyên bố, nếu còn tại nhiệm sau cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp tổ chức ngày 4-12 tới, chính phủ của ông sẽ đề nghị quốc hội phủ quyết kế hoạch ngân sách 2017 của EU, trừ khi EU thay đổi lập trường về vấn đề người di cư. Thủ tướng Renzi cho biết, hành động nói trên sẽ là điều đầu tiên ông có ý định thực hiện vào tuần tới, trong trường hợp giành thắng lợi ở cuộc trưng cầu ý dân và vẫn còn tại nhiệm.

Chính phủ của ông Renzi đang bất đồng với EU trong vấn đề người nhập cư. Phần lớn số người nhập cư trái phép hiện đang ở Italia do các đảo miền Nam nước này là chặng dừng chân đầu tiên để họ tìm đường vào châu Âu.

Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), tính từ đầu năm đến ngày 30-11, có tới 172.897 người nhập cư trái phép đã đến Italia bằng đường biển. Nền kinh tế Italia đang gặp nhiều khó khăn, được dự báo có mức thâm hụt ngân sách tương đương 2,3% GDP trong năm 2017, do trận động đất hồi tháng 8 và chi phí hỗ trợ người di cư. Là cửa ngõ vào châu Âu, Italia trong năm nay đã có 155.000 người di cư tràn vào, gây áp lực lớn cho các trung tâm tiếp nhận vốn đã quá tải cũng như ngân sách nhà nước.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục