Mạng tin The Guardian ngày 31-1 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Italia Mario Giro cảnh báo Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang hướng đến một cuộc Chiến tranh Lạnh về kinh tế liên quan đến việc Anh rời khỏi EU (Brexit), có thể gây nên sự hỗn loạn đối với phương Tây cũng như làm suy yếu lục địa già.
Cạnh tranh nhóm lợi ích
Trả lời phỏng vấn tờ Guardian, ông Giro giải thích rằng, trong khi nhiều nước thuộc EU khẳng định cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý theo đó Anh rời khỏi EU là một tổn thất đối với liên minh này và hiện đang ngày càng có thêm nhiều lực lượng cứng rắn trong EU chống lại Anh hơn trước. Tuy nhiên, ông Giro không nói rõ những lực lượng cứng rắn đó là nước nào mà chỉ cho biết điều này sẽ được thể hiện khi cuộc thương lượng về việc Anh rời khỏi EU được bắt đầu. Ông Giro cũng cho rằng “cuộc chiến về lợi ích” sắp tới - được mô tả là cuộc cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích kinh tế, chứ không nhất thiết là giữa các nước - có thể gây nên những hậu quả khủng khiếp.
Phát biểu trên của ông Giro được đưa ra sau những phát biểu của Thủ tướng Anh Theresa May, nói rằng London đã sẵn sàng cho một “quá trình Brexit khó khăn” nếu như bà không thể thương lượng được một thỏa thuận hợp lý với EU về sự ra đi của Anh.
Cùng lúc này, Quốc hội Anh đã chính thức thảo luận dự luật cho phép chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon khởi động tiến trình Brexit. Dự luật được Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis trình lên Quốc hội ngày 26-1 và dự kiến sẽ dễ dàng thông qua Hạ viện, sau đó sẽ được chuyển lên Thượng viện để thảo luận từ ngày 20-2 và có thể được chính thức phê chuẩn vào ngày 7-3.
Dự luật nói trên phác thảo chiến lược đàm phán về tiến trình Brexit do chính phủ của Thủ tướng May đề xuất. Văn bản này vạch ra những đề xuất cụ thể về pháp luật trong tương lai và định hình cơ sở cho các cuộc tham vấn và thảo luận. Đây được coi là một trong những dự luật minh bạch nhất để bảo đảm hiệu lực quyết định của người dân, cũng như tôn trọng phán quyết của Tòa án Tối cao Anh.
Chỉ số chứng khoán suy giảm liên tục khiến các nhà đầu tư châu Âu đứng ngồi không yên
Cơn đau ngắn hạn gây hậu quả lâu dài
Bình luận về diễn biến mới nhất này, trang mạng Bussines Week bản tiếng Trung cho rằng, mùa đông giá rét của kinh tế châu Âu sẽ đến. Về mặt tăng trưởng, sự suy giảm liên kết sẽ làm chậm lại tốc độ sản xuất của toàn bộ các nhân tố quan trọng và động lực tăng trưởng nội tại, về mặt rủi ro, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa dân túy sẽ gia tăng rủi ro chính trị, đồng thời gia tăng rủi ro mất tốc độ tăng trưởng kinh tế, rủi ro nợ nần, giảm phát và rủi ro của ngành ngân hàng, từ đó làm xấu đi toàn bộ môi trường phục hồi kinh tế của châu Âu. Đối với nước Anh, việc rời khỏi EU sẽ đem lại rất nhiều “cơn đau ngắn hạn”; về châu Âu, việc thụt lùi của tiến trình liên kết kinh tế sẽ gây ra tình trạng khó khăn trong thời gian dài.
Căn cứ dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 10-2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh là 1,05% vào năm 2017, giảm 1,1% so với dự báo được đưa ra vào tháng 4-2016, giảm 0,79% so với tốc độ tăng trưởng kinh tế vào năm 2016, giảm mạnh so với mức bình quân 2,16% trong lịch sử. Xem xét từ số liệu thống kê liên tục và chi tiết hơn trong thời gian gần đây, có thể thấy rất nhiều chỉ số của kinh tế Anh cũng chạm đáy mang tính giai đoạn. Trong 9 tháng đầu năm 2016, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành chế tạo và ngành dịch vụ của Anh lần lượt là 51,5 điểm và 52,6 điểm, giảm 1,1 điểm và 4,1 điểm so với cùng kỳ năm 2015. Trong 9 tháng đầu năm 2016, chỉ số lòng tin người tiêu dùng ở Anh là -2,33, thấp hơn nhiều so với mức 3,08 của năm 2015.
Cục diện chính trị và kinh tế châu Âu phải bắt đầu xây dựng lại lâu dài và gian khổ. Xu hướng phân hóa kép “chia rẽ khu vực + chia rẽ xã hội” sẽ ngày càng quyết liệt, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa biệt lập sẽ nhanh chóng trỗi dậy. Do đó, ưu thế và sức hấp dẫn tương đối của thị trường Eurozone sẽ dần dần giảm xuống, khả năng đồng EUR bị mất giá sẽ từng bước gia tăng.
Việt Anh (tổng hợp)