Ngày 28-8, cảnh sát Áo đã mở chiến dịch truy lùng dọc biên giới nhằm bắt giữ các đối tượng buôn người liên quan tới vụ phát hiện khoảng 71 thi thể người di cư được cho đến từ Syria đang phân hủy trên chiếc xe tải tại một tuyến cao tốc gần thị trấn Pandorf, bang miền Tây Burgenland, gần khu vực biên giới Slovakia và Hungary.
Hàng tỷ EUR dành cải thiện cuộc sống người dân
Cùng ngày, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya thông báo ít nhất 150 người di cư đã chết đuối trên biển Địa Trung Hải khi chiếc thuyền chở khoảng 200 người bị đắm ngoài khơi trên hành trình tìm đường tới châu Âu. Vụ việc này xảy ra chỉ 1 ngày khi lực lượng chức năng phát hiện ít nhất 55 thi thể trên 3 chiếc thuyền chật kín người di cư ngoài khơi bờ biển Libya, trong đó 52 người được xác định tử vong do ngạt thở.
Những hàng rào kẽm gai vẫn không ngăn được người di cư
Đây là những thảm kịch mới nhất trong cuộc khủng hoảng di cư trầm trọng tại châu Âu. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tây Balkan bàn về vấn đề người di cư đang diễn ở thủ đô Vienna (Áo), Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố “Thảm kịch ở Áo gióng lên một hồi chuông cảnh báo giới chức lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cần đoàn kết và khẩn trương tìm ra các biện pháp giải quyết vấn đề người di cư”.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Merkel tuyên bố “sẽ phải duy trì lòng tin và một triển vọng tương lai cho những nước khởi điểm của làn sóng tị nạn vào EU hiện nay”. Trước mắt, sẽ có 600 triệu EUR đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới giao thông, đường sắt và lưới điện cho các nước Tây Balkan, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân các nước trong khu vực - giải pháp cho vấn đề di cư. Khoản tiền này sẽ do EU, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đóng góp. Trong các năm tiếp theo, số tiền đầu tư cho các dự án hạ tầng ở những nước này sẽ lên tới 7,7 tỷ EUR.
Các dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra 200.000 việc làm mới ở các nước vùng Tây Balkan, nơi mà hàng trăm ngàn người tị nạn từ các nước Macedonia, Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Serbia và vùng Kosovo đang rời bỏ quê hương đến các nước EU, gây nên cuộc khủng hoảng đặc biệt trong những ngày gần đây.
Các nước cần đoàn kết
Tuy nhiên, giải pháp trên vẫn chưa đủ khi các nước tham dự hội nghị kêu gọi châu Âu phải hành động cụ thể để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư này. Ngoại trưởng Serbia Ivica Facic cho rằng các nước Tây Balkan đang phải qua giai đoạn khủng hoảng nhập cư lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới II và hiện nay còn đang nổi lên thành một trung tâm trung chuyển người tị nạn với hàng vạn người từ Trung Đông, châu Phi tìm mọi con đường đến Hy Lạp, Macedonia để đi tiếp tới các nước Tây Âu. Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố không đóng cửa biên giới nhưng cũng đề nghị EU xây dựng kế hoạch cụ thể khi dòng người đang ồ ạt kéo đến khu vực Balkan.
Song, EU sẽ khó có hành động cụ thể khi mỗi quốc gia đang chịu áp lực quá tải số người nhập cư, tị nạn như Macedonia, Serbia, Ý, Hy Lạp, Áo, Hungary đã tự có cơ chế để đối phó, nhưng các giải pháp lại xung đột nhau. Cho đến nay, EU vẫn chưa thành lập các trung tâm tiếp đón, một biện pháp căn bản để bước đầu giải quyết yêu cầu tị nạn. Nhiều người cho rằng phản ứng bị động của châu Âu trước làn sóng nhập cư là một biểu hiện nữa của sự bất lực của 28 nước. Tuy tất cả đang có một thị trường thống nhất, một không gian tự do đi lại và lưu chuyển hàng hóa nhưng lại thiếu sự thống nhất về chính trị, một đường biên giới thực sự chung.
Hạnh Chi (tổng hợp)