Suy thoái lịch sử
Riêng trong tháng 3 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tăng lên mức 7,4%. Trong khi đó, khu vực Liên minh châu Âu ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 6,6% với hơn 14 triệu người. Giá nhiên liệu sụt giảm mạnh do khủng hoảng của thị trường dầu mỏ trong những tuần gần đây nhưng giá thực phẩm lại đang tăng vọt (3,6%), nhất là sản phẩm tươi sống. Vào tháng trước, chỉ một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch, giao thông, giải trí... nhưng đến tháng 4, toàn bộ các lĩnh vực kinh tế của khu vực đã “đóng cửa” do chính sách giãn cách xã hội. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng số liệu mới công bố chỉ thể hiện thực trạng của quý 1 trong khi sang quý 2 tình hình còn tồi tệ hơn nhiều. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), chưa thấy có triển vọng cụ thể cho nền kinh tế khu vực do biện pháp phong tỏa còn kéo dài và chưa rõ đến giai đoạn nào dịch sẽ được khống chế hoàn toàn.
Pháp dự báo suy giảm kinh tế 5,8% trong quý 1, Tây Ban Nha là 5,2%, trong khi tại Đức, người đứng đầu Cơ quan lao động Liên bang Đức Detlef Scheele thừa nhận nước này đang trong thời kỳ suy thoái lớn nhất kể từ năm 1949. Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Peter Altmaier dự báo GDP nước này sẽ giảm 6,3% trong năm 2020. Đây là đợt suy thoái lần đầu tiên sau 10 năm Đức đạt tăng trưởng.
Sau khi có dấu hiệu tích cực về phòng chống dịch bệnh, một số nước châu Âu đã có lộ trình nới lỏng lệnh phong tỏa. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết sẽ cho phép các nhà máy và khu vực xây dựng hoạt động từ ngày 4-5 trước khi thông qua việc mở cửa trở lại cho nhiều doanh nghiệp hơn trong những tuần tiếp theo. Pháp thông báo sẽ bắt đầu thận trọng nới lỏng phong tỏa từ ngày 11-5 nhằm tránh thiệt hại thêm về kinh tế. Tuy nhiên, Paris khẳng định sẽ không chấm dứt lệnh phong tỏa toàn quốc nếu như số ca mắc mới không giảm xuống dưới 3.000 ca một ngày. Đức sẽ mở cửa lại các sân chơi, bảo tàng từ ngày 4-5 và quyết định sẽ tiếp tục từng bước mở cửa các trường học cũng như sự kiện thể thao trong những ngày tới.
Tăng tốc hỗ trợ
Bên cạnh nới lỏng lệnh phong tỏa, châu Âu đang xem xét việc khởi động lại nền kinh tế theo 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, các trường học, cửa hàng quy mô nhỏ, công ty… sẽ mở cửa trở lại, người dân được phép ra đường sau thời gian cách ly. Đây cũng là giai đoạn nhiều doanh nghiệp được phép hoạt động nhưng với công suất thấp để bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch bệnh. Trong 3 tuần sau đó, nếu dịch không bùng phát trở lại, giai đoạn 2 sẽ cho phép những cửa hàng quy mô lớn và nhỏ, dịch vụ mở cửa, người dân được tụ tập tối đa 10 người. Khoảng 6 tuần kể từ thời điểm nới lỏng đầu tiên, giai đoạn 3 sẽ bắt đầu và các nhà hàng, rạp chiếu phim… được hoạt động.
Để hỗ trợ việc khôi phục kinh tế, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua gói tài chính trị giá 540 tỷ EUR dành cho các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi kích hoạt gói hỗ trợ này trước ngày 1-6 tới. ECB cũng đang trấn an các nước EU và đề cập đến khả năng tăng quy mô hỗ trợ tới mức cần thiết để vượt qua khủng hoảng. Ngoài ra, ECB tuyên bố giảm tiếp lãi suất để các ngân hàng có thể cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. ECB đang tính đến các biện pháp sâu rộng hơn nữa, dự kiến đưa ra trong tháng 6, bao gồm kế hoạch khắc phục hậu quả dịch bệnh trị giá 1.000 tỷ EUR trở lên.