EU thiệt hại lớn vì tham nhũng

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 3-2 đã công bố báo cáo chống tham nhũng đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU), trong đó cho biết nạn tham nhũng đã khiến nền kinh tế khu vực thiệt hại khoảng 120 tỷ EUR (162 tỷ USD) mỗi năm.
EU thiệt hại lớn vì tham nhũng

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 3-2 đã công bố báo cáo chống tham nhũng đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU), trong đó cho biết nạn tham nhũng đã khiến nền kinh tế khu vực thiệt hại khoảng 120 tỷ EUR (162 tỷ USD) mỗi năm.

Thất thoát nặng nề

Theo báo cáo trên, tham nhũng tiếp tục là thách thức lớn nhất đối với tất cả các quốc gia thành viên EU và cho dù các nước đã thực thi nhiều sáng kiến trong những năm gần đây song kết quả vẫn không như mong đợi, buộc các nước EU cần phải hành động nhiều hơn nữa nhằm ngăn chặn và trấn áp tệ nạn này.

Bản đồ biểu thị tình trạng tham nhũng tại EU dựa trên khảo sát của Eurobarometer.

Bản đồ biểu thị tình trạng tham nhũng tại EU dựa trên khảo sát của Eurobarometer.

Đề cập đến mức độ tham nhũng ở từng quốc gia thành viên, Ủy viên phụ trách các vấn đề về nội vụ của EU, bà Cecilia Malmstrom, cho biết: “Nạn tham nhũng đang hủy hoại niềm tin của người dân tại các thể chế dân chủ và pháp quyền. Tham nhũng làm tổn thương kinh tế EU và khiến các nước thành viên thất thoát nguồn thu thuế thiết yếu”.

Báo cáo của EC cho biết, chỉ riêng ở Italia, tham nhũng gây thất thoát 60 tỷ EUR/năm trong ngân sách nước này. Các cuộc điều tra mới đây đã chứng minh điều này và cho thấy những lo ngại đáng báo động về tình trạng tham nhũng ở Italia. Báo cáo của EC chỉ trích luật chống tham nhũng mới của Italia và cho rằng luật này dẫn đến tình trạng nhiều vấn đề không được giải quyết dứt điểm. Tham nhũng đang xói mòn lòng tin của người dân đối với thể chế chính trị của Italia, đồng thời cũng làm mất đi một phần không nhỏ về thuế, nguồn ngân sách rất cần thiết trong thời khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Một cuộc thăm dò về thái độ của người dân châu Âu đối với tham nhũng cho thấy, có tới 76% số người được hỏi cho rằng nạn tham nhũng đang hoành hành; 56% khẳng định tham nhũng đang mở rộng cả về quy mô và mức độ ở nước họ; 8% cho biết đã trực tiếp thực hiện hoặc chứng kiến hành vi tham nhũng trong năm 2013.

Hối lộ lan rộng

Theo bà Cecilia Malmstrom, các nước thành viên EU đã rất nỗ lực phòng chống tham nhũng trong những năm gần đây song vẫn chưa đủ, do đó từng nước cần tuân thủ các đề xuất đưa ra trong bản báo cáo chống tham nhũng của EU. Báo cáo nêu rõ mua sắm công là lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhất do thiếu các cơ chế quản lý rủi ro và kiểm soát một cách hiệu quả. Ngoài ra, một số lĩnh vực khác như phát triển đô thị, xây dựng, chăm sóc sức khỏe và quản lý thuế cũng rất dễ nảy sinh các hành vi tham nhũng. Công tác chống tham nhũng chủ yếu được chính phủ các nước thành viên EU đảm nhiệm, thay vì các định chế của EU. Tuy nhiên, bà Malmstrom nói chính phủ các nước và EC đã yêu cầu tiến hành cuộc nghiên cứu trên quy mô toàn EU về hối lộ.

Tại Anh, chỉ 5 trong số 1.115 người tham gia khảo sát  nói họ bị đẩy vào tình thế phải đưa hối lộ. Đây là “kết quả tốt nhất so với toàn bộ châu Âu”,  báo cáo cho biết. Tuy nhiên 64% người dân Anh cho rằng tham nhũng là vấn đề phổ biến tại Anh quốc. Đây là mức thấp hơn mức trung bình 74% của toàn EU. Tại một số quốc gia, tổng số trường hợp cho biết đã từng phải hối lộ khá cao. Ở Croatia, Cộng hòa Czech, Litva, Bulgaria, Romania và Hy Lạp, khoảng từ 6% - 29% số người tham gia khảo sát nói họ đã bị yêu cầu đưa hối lộ hoặc bị đẩy vào tình thế bị buộc phải đưa hối lộ. Tỷ lệ đưa hối lộ cũng rất cao tại Ba Lan (15%), Slovakia (14%), Hungary (13%) và chủ yếu là trong ngành y tế.

EU có một cơ quan chống tham nhũng (Olaf), vốn tập trung vào những vụ lừa đảo và tham nhũng ảnh hưởng đến ngân sách chung của cả khối. Tuy nhiên, cơ quan này lại hoạt động với ngân sách khá eo hẹp, chỉ khoảng 23,5 triệu EUR/năm, theo số liệu của năm 2011.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục