Nga chủ động ứng phó
Bộ Tài chính Nga đã đưa ra một số kịch bản liên quan việc phương Tây áp đặt các gói trừng phạt khác nhau nhằm vào Moscow trong thời gian tới, trong đó có kế hoạch củng cố các thể chế tài chính. Nga đã tạo ra tấm đệm an toàn dưới hình thức Quỹ Tài sản quốc gia giúp bảo vệ nền kinh tế nước này khỏi các lệnh trừng phạt. Chiến lược của Nga cho phép đón đầu các lệnh trừng phạt của phương Tây và giảm nguy cơ thiệt hại từ các biện pháp răn đe mà phương Tây cho là hiệu quả.
Trong khi đó, EU vẫn phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp năng lượng từ Nga cũng như nguyên liệu thô. Hầu hết các nước EU cho đến nay thực hiện rất ít biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung dầu và khí đốt. Vấn đề lớn nhất của EU trong việc trừng phạt Nga nằm ở việc Nga là đối tác thương mại lớn nhất của khối này, chiếm khoảng 37% tổng giá trị thương mại của EU ở thời điểm đầu năm 2020. Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu (EC), Nga cũng là nguồn đáp ứng khoảng 25% lượng dầu nhập khẩu vào EU.
Thiệt nhiều hơn lợi
Giới phân tích cho rằng, không dễ dàng để Mỹ và EU đi đến một thỏa thuận chung về những biện pháp cụ thể cho việc trừng phạt Nga. Hai bên đã thảo luận về những biện pháp như loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hạn chế khả năng của các ngân hàng Nga trong việc chuyển đổi tiền tệ và áp hạn chế xuất khẩu đối với các công nghệ tiên tiến sử dụng trong các lĩnh vực hàng không, bán dẫn và linh kiện khác. Tuy nhiên vẫn chưa có sự thống nhất do các nước châu Âu bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng đối với nền kinh tế và bị cắt nguồn cung khí đốt giữa lúc giá năng lượng đang cao kỷ lục. Bất kỳ biện pháp đáp trả quan trọng nào của EU với Nga cũng đều cần tới sự nhất trí của các quốc gia thành viên, trong khi quan điểm của các nước trong khối về Nga đến nay vẫn không đồng nhất.
Lãnh đạo một số quốc gia châu Âu liên tục nhấn mạnh, chính sách trừng phạt hiện nay không còn hiệu quả. Do đó, các nước châu Âu tuy nhất trí duy trì trừng phạt Nga nhưng có xu hướng giảm nhẹ hơn nhiều. Chính các lợi ích kinh tế đan xen, chặt chẽ giữa EU và Nga là lý do khiến EU muốn “cởi bỏ” dần các lệnh trừng phạt.
Cùng với Mỹ, EU áp đặt trừng phạt Nga sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014. Kể từ đó đến nay, cứ mỗi 6 tháng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu lại xem xét, đánh giá và gia hạn trừng phạt Nga. Theo Liên hiệp quốc, kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt vào năm 2014, nền kinh tế EU mỗi tháng chịu thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là đến nay, số tiền này đã lên tới hơn 200 tỷ USD... |