EU trước ngã rẽ mới

Nếu như tại Pháp, với khẩu hiệu “Thay đổi ngay từ lúc này”, Tổng thống mới đắc cử F. Hollande đã mô tả chiến thắng của mình như một phần của trào lưu đang nổi lên ở châu Âu chống lại quan điểm tài chính khắc khổ thì tại Hy Lạp, ngày 9-5, lãnh đạo đảng Syriza, ông Alexis Tsipras tuyên bố nội các mới do ông thành lập với các đảng cánh tả khác sẽ bãi bỏ toàn bộ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà chính phủ tiền nhiệm từng áp dụng để đổi lấy gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Tuyên bố được đưa ra sau khi đảng Syriza được Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias trao quyền ủy thác thành lập chính phủ do đảng Dân chủ mới (ND) theo đường lối trung hữu tuyên bố đã thất bại trong nỗ lực này. Kết quả bầu cử tại Hy Lạp còn cho thấy một môi trường chính trị rất bất ổn đang tồn tại ở nước này và việc không có chính đảng nào hội đủ đa số trong quốc hội 300 ghế khóa mới để có quyền tự thành lập chính phủ, khiến những cam kết cải cách của chính quyền tiền nhiệm trở nên khó khả thi.

Không loại trừ khả năng các chính đảng Hy Lạp có thể đồng lòng thành lập một liên minh cầm quyền mới ngay cả khi phải chấp nhận khả năng xấu nhất là Hy Lạp bị đưa ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Nếu xảy ra, đây sẽ là cú huých đầu tiên không chỉ khiến eurozone chao đảo, mà còn ảnh hưởng tương lai của đồng euro hơn 10 năm tuổi này.

Liên quan đến vận mệnh của eurozone và sự sống còn của đồng tiền chung euro, trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Daily Mail mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng eurozone cần phải có một chính phủ chung để vận hành hiệu quả vì theo ông “không nơi nào trên thế giới sử dụng một đồng tiền chung mà lại không có duy nhất một chính phủ”.

Những diễn biến sau bầu cử ở Pháp và Hy Lạp cho thấy cử tri chính là những người thách thức các kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” đang làm người lao động vốn chật vật trong thời buổi khủng hoảng lại càng điêu đứng hơn. Và làn sóng này đang lan tới Ireland, quốc gia bấy lâu nay cũng âm thầm chịu đựng thắt lưng buộc bụng.

Theo AFP, cử tri nước này đang tự đặt câu hỏi: Vậy lâu nay mình cảm nhận sự sắc bén của lưỡi dao cắt giảm ngân sách có xứng đáng không và theo khảo sát mới nhất, người dân Ireland muốn đàm phán lại các điều khoản với Ngân hàng Trung ương châu Âu mà họ đã ký kết khi vay 85 tỷ EUR hồi cuối năm 2010? David Begg, Tổng thư ký Đại hội các nghiệp đoàn thương mại nước này khẳng định: Thắt lưng buộc bụng đã không hoạt động hiệu quả và rất nhiều người hiện đang thức tỉnh trước Hiệp ước tài chính EU nhằm siết chặt kỷ luật tài chính của EU.

Ngày 31-5, Ireland sẽ trưng cầu dân ý về Hiệp ước tài chính EU. Nếu cử tri Ireland nói “không” thì Tổng thống mới đắc cử của Pháp Hollande sẽ có thêm sức mạnh để yêu cầu EU phải đàm phán về chiến lược việc làm và tăng trưởng, chứ không phải chỉ có thắt lưng buộc bụng. EU đang đứng trước ngã rẽ mới.

Xuân Hạnh

Tin cùng chuyên mục