EURO 2008: Tất cả cho tấn công

1.
EURO 2008: Tất cả cho tấn công

1. Chưa có một giải đấu lớn cấp thế giới hay cấp châu lục nào mà các đội chủ nhà, đương kim vô địch châu lục lẫn đương kim vô địch thế giới đồng loạt gục ngã ngay ở ngày đầu ra quân như giải Euro kỳ này.

Thụy Sĩ, Áo, Ý, Hy Lạp mỗi đội mỗi vẻ, thực lực khác nhau, phong cách khác nhau, tham vọng khác nhau nhưng đều có chung một nỗi buồn bại trận. Khởi đầu đó như cánh chim báo bão và chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi một cuộc đua sôi động, kịch tính và lắm bất ngờ ở những ngày sắp tới.

Bài này được viết vào sáng thứ sáu, khi mà loạt trận thứ hai ở bảng đấu tử thần chưa diễn ra. Cái bảng tử thần đó càng “sặc mùi chết chóc” hơn nữa khi Pháp phơi bày diện mạo của người thiếu ngủ trong trận hòa Rumani, còn đội tuyển Ý gây địa chấn bằng trận thua đậm trước Hà Lan như để thách thức óc tưởng tượng của con người.

Những kết quả bất ngờ đó vô tình đẩy các cặp đấu Ý - Rumani và Pháp - Hà Lan đêm nay vào chỗ một mất một còn. Chỉ có khán giả là được lợi vì Euro 2008 đi chưa hết vòng đấu bảng mà đã được thưởng thức những cuộc thư hùng quyết liệt không kém gì trận chung kết.

EURO 2008: Tất cả cho tấn công ảnh 1

“Cơn lốc màu da cam” đã trở lại?

2. Dĩ nhiên bóng đá là trò chơi luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ. Nhưng bất ngờ nhất trong những bất ngờ là chưa bao giờ người xem chứng kiến một giải đấu giàu sức tấn công đến vậy. Có thể nói hầu hết các đội dự giải đều chọn lối chơi tấn công thay cho lối chơi tử thủ.

Ngay cả Hy Lạp cũng từ bỏ hình ảnh đáng chán của mình bốn năm về trước để xông lên phía trước nhiều hơn, dù vì vậy mà họ dễ bị thủng lưới hơn. Những đội bóng bị coi là yếu như Áo và Thụy Sĩ cũng chọn xu hướng tấn công để tìm kiếm cơ may và cho dù lực bất tòng tâm, có những khoảnh khắc họ đã tạo áp lực lên phần sân đối phương một cách không thể tin được.

Chỉ duy nhất Rumani là khởi đầu trận đấu với đội hình thấp nhưng không thể nói là sang hiệp hai họ không cố gắng xông lên, chỉ có điều người Pháp quyết không cho họ làm điều đó nên rốt cuộc họ buộc phải làm vừa lòng đối phương bằng cách lùa quân về phần sân nhà để cố gắng kiếm một trận hòa, điều mà họ nghĩ là vừa với tầm tay của họ hơn.

3. Tấn công, tấn công, tấn công! Xu hướng tấn công là chủ đạo nên trong 12 trận đã diễn ra, chỉ có vỏn vẹn 2 trận hòa. Trận Pháp hòa Rumani 0-0 là do Rumani “chủ hòa” trong khi hàng tiền đạo Pháp đá như... gà trống Gaulois mắc tóc. Trận Áo hòa Ba Lan 1-1 lẽ ra đã không đi đến chỗ bất phân thắng bại nếu cầu thủ Lewandowski của Ba Lan không phạm một lỗi ngớ ngẩn ở phút bù giờ để bị phạt đền.

10/12 trận phân thắng bại cho thấy tư tưởng phòng thủ hay cầm hòa không có đất sống ở Euro kỳ này. Như vậy, tất cả đều chọn lối chơi tấn công, nhưng một nửa trong số họ đã bại trận. Vậy những kẻ bại trận là ai? Đó chính là những đội tấn công nhưng không sắc bén.

Khi anh chọn lối chơi tấn công làm kim chỉ nam, tất nhiên những cơ hội sẽ xuất hiện nhưng nếu anh không đủ sức cụ thể hóa những cơ hội đó thành bàn thắng, anh sẽ bại trận. Vì tấn công đang là xu thế của Euro 2008 nên cơ hội làm bàn xuất hiện rất nhiều nhưng tiếc thay bị bỏ lỡ cũng lắm.

Ở trận đấu mới nhất vào rạng sáng hôm nay, chỉ trong vòng 10 phút, Harnik và Linz của Áo đã bỏ lỡ tới 3 cơ hội ăn bàn mười mươi, trong đó có 2 lần đối mặt với một mình thủ môn đội Ba Lan và một lần đứng trước khung thành trống chỉ có 5 mét. Tiền đạo “cùn” như thế, Áo không thua đã là quá may.

4. Tương tự như vậy, điểm lại các đội thua trận từ đầu giải đến giờ, chúng ta sẽ thấy họ không hẳn thua về cơ hội mà thua vì không thể chuyển hóa các cơ hội có được thành bàn thắng. Frei, Yakin, Barnetta của Thụy Sĩ bỏ lỡ hàng loạt cơ hội ghi bàn trước đội tuyển Czech, Zurianov và Pavlyuchenko của Nga thay vì sút bóng vào lưới lại nhắm mắt nhắm mũi sút vào xà và cột của khung thành đội Tây Ban Nha.

Đặc biệt là tuyển Ý, xét về các thông số chuyên môn họ không thua kém gì Hà Lan nhưng do Di Natale, Toni, Del Piero, Pirlo, Grosso phung phí tất cả các cơ hội mà họ có được nên đã đón nhận một trận thua mất mặt. Cũng giống như các trận tỷ thí trên giang hồ, kiếm pháp của anh có hoa mỹ đến mấy nhưng một là mũi kiếm quá cùn, hai là loại võ công của anh chỉ để múa may cho đẹp mắt mà không có được một chiêu sát thủ thì cuối cùng cũng không thể kết liễu được đối phương.

Bóng đá muốn tranh hùng cũng phải có cao thủ cỡ Tiểu Lý Phi Đao Lý Tầm Hoan nổi danh “lệ bất hư phát” (phóng phi đao trăm phát chưa phát nào trượt) hoặc như Tây Môn Xuy Tuyết, một đại hành gia về kiếm thuật, đã hạ thủ không bao giờ cần tới nhát thứ hai. David Villa của Tây Ban Nha có thể gần đạt tới cảnh giới này với cú hat-trick đầu tiên trong giải.

5. Qua kết quả của loạt trận đầu tiên, nhiều người lập tức chỉ ra các anh hào trong kỳ luận kiếm này: Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha. “Tứ đại anh hào” này được liệt vào cao thủ hạng nhất. Đám Croatia, Czech, kể các Pháp, Ý cũng chỉ hạng nhì. Tiểu tốt như Áo, Thụy Sĩ, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ thì thiên hạ không cho vào mắt.

Nhưng tối hôm qua, Croatia vừa hạ gục Đức 2-1 đó thôi. Thì ra, bóng đá cũng như võ học, có những loại công phu chuyên khắc chế lẫn nhau. Chưa kể, ngay cả “tứ đại anh hào” kể trên nếu xét kỹ, tấn công thì hay mà phòng ngự vẫn còn nhiều trục trặc.

Chẳng hạn Bồ Đào Nha sau hai trận thắng được quần hùng xúm vô ca ngợi lên tận mây xanh, nhưng nếu nhớ lại trong trận đối đầu với Czech, hàng phòng thủ của họ đã liên tục xính vính với các quả phạt góc và các quả tạt bóng bổng của đối phương như thế nào, e rằng kiếm pháp của họ cũng còn lắm chỗ sơ hở.

Nếu hôm đó trong đội Czech có một Tiểu Lý Phi Đao hay một Tây Môn Xuy Tuyết cỡ Villa, Nistelrooy hay Podolski giỏi chớp thời cơ thì kết cục chưa biết ra sao. Từ đó suy ra, trật tự võ lâm những ngày tới e còn thay đổi và cục diện giang hồ xoay chuyển kiểu này chắc còn lắm kẻ phải thức khuya...

Chu Đình Ngạn

Tin cùng chuyên mục