Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp diễn ra vào ngày 17-6, nhiều quốc gia trong khu vực đồng tiền chung (eurozone) đã ráo riết lên kế hoạch chuẩn bị kịch bản “hậu Hy Lạp” trong trường hợp quốc gia này sẽ phải rời khỏi eurozone.
Thảm họa
Ngày 15-6, phát biểu trên đài phát thanh Europe 1, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng Paris và Berlin nên sát cánh cùng nhau để đưa châu Âu thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay thông qua các cuộc đối thoại. Đức vẫn chưa có phản hồi về lời đề nghị này. Theo giới phân tích, mặc dù quy mô nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2,3% kinh tế của eurozone, chiếm 0,4% kinh tế của toàn cầu nhưng diễn biến tại quốc gia nhỏ bé ở Nam Âu này lại có thể gây nên cơn “sóng thần tài chính” tác động tới toàn cầu, kéo kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.
Các nhà lãnh đạo eurozone lo ngại sẽ xảy ra tình trạng rối loạn trên thị trường khi hiện tượng ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng Hy Lạp tiếp tục diễn ra sau ngày bầu cử lại 17-6 tới. Kịch bản này nhiều khả năng xảy ra nếu đảng cánh tả Syriza về thứ 2 trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp hôm 6-5 và là đảng chủ trương bãi bỏ thỏa thuận cứu trợ của các định chế tài chính quốc tế, giành chiến thắng. Khi đó, Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ cắt nguồn tiền cứu trợ cho Hy Lạp. Nếu Hy Lạp tiếp tục mua lại trái phiếu và trả lãi suất, nước này có thể lâm vào tình trạng hết tiền vào tháng 7 tới. Kịch bản này nếu trở thành hiện thực sẽ là thảm họa không chỉ với kinh tế Hy Lạp mà còn kéo theo nguy cơ tan vỡ của một liên minh tiền tệ đã tồn tại trong hơn một thập niên, để lại những tác động khó lường đối với kinh tế toàn cầu.
Nếu Hy Lạp ra khỏi eurozone, tác động tài chính trực tiếp đến eurozone sẽ vô cùng lớn, với những thiệt hại có thể lên tới 500 tỷ EUR và kéo theo sự thất thoát khổng lồ cho các doanh nghiệp. Gánh nặng này sẽ đổ lên vai những người đóng thuế tại 16 quốc gia eurozone còn lại. Bên cạnh đó, khi tiền lệ một quốc gia rời bỏ eurozone được thiết lập, sự ổn định và niềm tin vào phần còn lại của khối sẽ bị hạ thấp và đưa cả khối trở lại suy thoái, thậm chí sụp đổ.
Đối phó
Bộ trưởng tài chính các nước eurozone dự kiến sẽ có cuộc họp trực tuyến ngay trong chiều 17-6, khi cuộc bầu cử lại tại Hy Lạp kết thúc, để thảo luận về những diễn biến mới nhất và phương án hành động tiếp theo. Trước đó, ngày 11-6, Ủy ban châu Âu (EC) đã trao đổi với các chính phủ trong eurozone, thảo luận việc xây dựng kế hoạch dự phòng trường hợp Hy Lạp ra khỏi eurozone. Các chuyên gia đã tư vấn về vấn đề kiểm soát vốn, bao gồm cả giới hạn rút tiền từ tài khoản ngân hàng Hy Lạp cũng như đưa ra hạn ngạch rút tiền từ máy ATM và các biện pháp kiểm soát biên giới khẩn cấp trong trường hợp người dân Hy Lạp đổ xô tới biên giới để rời khỏi nước này.
Các nền kinh tế thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) thông báo, các ngân hàng trung ương đã sẵn sàng áp dụng những biện pháp cần thiết để ổn định thị trường tài chính, giúp bảo đảm khả năng thanh toán của các ngân hàng trong trường hợp xấu nhất. Vấn đề này sẽ tiếp tục được bàn thảo tại Hội nghị cấp cao G-20, tổ chức ở Mexico trong 2 ngày 18 và 19-6 tới.
Mối quan tâm hiện nay của eurozone đang dồn về Hy Lạp song một số lãnh đạo các quốc gia này cũng đang để tâm đến Tây Ban Nha, quốc gia thứ 4 trong khối đã nhận khoản cứu trợ 100 tỷ EUR. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, có lẽ Tây Ban Nha mới là nước có nguy cơ rời eurozone cao hơn Hy Lạp vì đây là nền kinh tế có sức mạnh thực sự, có vị thế chính trị vững chắc. Giống như Anh, hoạt động kinh doanh của nước này vươn ra toàn cầu chứ không chỉ ở trong eurozone. Không có lý do gì khiến Tây Ban Nha phải gắn chặt với eurozone đang lao dốc trong khi có rất nhiều cơ hội ở bên ngoài.
Thanh Hằng