Everest đỉnh núi huyền thoại

Everest đỉnh núi huyền thoại

Ngày 22-5, đoàn vận động viên Việt Nam gồm 3 chàng trai Bùi Văn Ngợi, Phan Thanh Nhiên, Nguyễn Mậu Linh đã chinh phục thành công đỉnh núi cao nhất thế giới Everest, làm nức lòng người hâm mộ. Chiến thắng này đã đưa Việt Nam đã trở thành một trong số ít những quốc gia châu Á ghi tên vào danh sách hơn 2.000 nhà leo núi chiến thắng đỉnh núi huyền thoại trong 55 năm qua.

Những người hùng thế giới

Đỉnh Everest hay còn gọi là đỉnh Chomolungma là đỉnh núi cao nhất thế giới với độ cao 8.850m. Đường lên đỉnh Everest là biên giới giữa Nepal và Tây Tạng (Trung Quốc). Sir George Everest, người điều hành Cơ quan Trắc Địa Trung ương tại Ấn Độ phát hiện ngọn núi huyền thoại này vào năm 1857. Chinh phục Everest luôn là ước mơ của các VĐV leo núi trên thế giới.

Từ nhiều năm nay nhiều kỷ lục đã ra đời trên đỉnh núi này. Đến nay chỉ có 2.249 người từ hơn 20 nước đã chinh phục được độ cao tuyệt đối và cũng khoảng hơn 200 người đã gửi thân lại dọc con đường lên đỉnh băng giá.

Everest đỉnh núi huyền thoại ảnh 1

Ba nhà leo núi Việt Nam (Nguyễn Mậu Linh, Bùi Văn Ngợi, Phan Thanh Nhiên) đang chinh phục đỉnh Everest (qua thác băng Khumbu dựng đứng). Ảnh: tuoitreonline

Nhà thám hiểm đầu tiên chinh phục đỉnh Everest vào năm 1953 là Sir Edmund Hillary, người New Zealand và Tenzing Norgay, người Sherpa thuộc Nepal (một tộc người sống dưới chân núi Hymalaya, thường dẫn đường cho các VĐV leo lên đỉnh Everest).

Ông Hillary vừa qua đời vào đầu năm 2008. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc chinh phục các ngọn núi trong nước và trở thành nhà leo núi băng nổi tiếng. Ngay sau kỳ tích chinh phục đỉnh Everest, ông được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước hầu và tên ông được gắn thêm chữ Sir.

Sau kỳ tích trên, Edmund Hillary còn chỉ huy một số cuộc thám hiểm tới Nam Cực và cống hiến cả cuộc đời mình cho việc giúp đỡ những người dân Sherpa ở khu vực Khumbu của Nepal.

Tổ chức mang tên Himalayan Trust do ông lập ra đã hỗ trợ kinh phí để xây nhiều bệnh viện, trạm xá, cầu cống, sân bay cùng gần 30 trường học, giúp người dân vùng “nóc nhà của thế giới” cải thiện cuộc sống khắc nghiệt. Năm 2003, Edmund Hillary được công nhận là công dân danh dự của Nepal.

Người phụ nữ đầu tiên trên thế giới cắm cờ trên đỉnh Everest là Junko Tabei, người Nhật Bản. Trải qua hành trình khó khăn, bà đã vượt qua những cơn bão tuyết, địa hình hiểm trở để cắm lá cờ Nhật Bản tung bay trên đỉnh Everest vào năm 1975. Bà Junko Tabei được cả thế giới biết đến là một trong những người phụ nữ dũng cảm nhất thế kỷ 21.

Ở khu vực Đông Nam Á, đến nay, đã có 3 VĐV nữ người Philippines gồm Noelle Wenceslao, Karina Dayondon và Janet Belarmino chinh phục thành công đỉnh Everest vào ngày 17-5-2007.

Danh hiệu VĐV trẻ tuổi nhất chinh phục thành công đỉnh Everest là Bertrand Zebulon, người Pháp. Anh đã leo lên đỉnh núi Everest lạnh giá khi mới 17 tuổi. Danh hiệu nhà leo núi “ lão làng” nhất đã thuộc về ông Katsusuke Yanagisawa, người Nhật Bản.

Ông Yanagisawa vốn là một cựu giáo viên trường trung học. Sau khi về hưu, ông bắt đầu hành trình chinh phục các ngọn núi. Quá ngưỡng mộ trước “sức bật phi thường” của ông Katsusuke, một nhà leo núi kì cựu người Nhật Yuichiro Miura, 75 tuổi, đã hạ quyết tâm trở thành người cao tuổi nhất thế giới chinh phục nóc nhà thế giới vào tháng 6-2008.

Vào ngày 22-5, Farouk al- Zuman, người con của quê hương nhiều sa mạc Saudi Arabia đã trở thành người Trung Đông đầu tiên chinh phục thành công đỉnh núi tuyết Everest, sau khi trải qua hành trình gian khổ. Chuyến chinh phục “nóc nhà thế giới” của Zuman đã là tâm điểm chú ý của báo chí Saudi Arabia trong suốt tháng qua.

“Nóc nhà thế giới” kêu cứu

Kể từ năm 1953, khi bước chân của nhà leo núi đầu tiên được đặt lên mảnh đất của tuyết trắng này, thế giới đã được biết đến một địa danh du lịch mạo hiểm. Khi đặt chân lên đỉnh cao nhất của Everest, những VĐV leo núi đều có chung một cảm nhận cho rằng sức mạnh của con người quả là ghê gớm, có thể vượt qua được những điều khắc nghiệt, khó khăn nhất.

Hàng năm, ngọn núi Everest đều thu hút rất nhiều nhà thám hiểm và các tay leo núi đến chinh phục. Chính phủ Nepal cũng đã gặp phải nhiều chỉ trích khi không có những hành động nghiêm khắc để môi trường của ngọn núi này bị ảnh hưởng quá nhiều. Đây cũng là vấn đề mà các nhà môi trường quan tâm khi càng ngày môi trường hệ sinh thái của dãy núi này càng trở nên tồi tệ hơn.

Thực tế, trong điều kiện núi cao, dốc, tuyết rơi dày, và môi trường thiếu oxy, các tay leo núi rất khó khăn để mang vác bất cứ thứ gì ngoài những vật dụng thiết yếu khi chinh phục Everest. Vì thế, tình trạng bỏ lại trên núi các dụng cụ dựng lều, túi ngủ, bình oxy, vỏ đồ hộp và nhiều thứ rác rưởi khác diễn ra rất phổ biến.

Do vậy mà “nóc nhà thế giới” còn có một biệt danh khác là cái “túi rác cao nhất thế giới”. Vì thế, hiện chính phủ Nepal đã thắt chặt hơn các quy định pháp luật buộc những người leo núi phải tuân thủ việc bảo vệ môi trường cho Everest, mức phạt cho việc để lại rác sẽ là 4.000USD. 

PHƯƠNG NAM (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục