
(SGGP).- Mạng xã hội, khái niệm này đã không còn xa lạ với nhiều người hiện nay. MySpace, Facebook hay Twitter đang thực sự kết nối mọi người trên thế giới chỉ bằng những thao tác đơn giản là lướt phím và click chuột. Dựa trên mô hình mạng xã hội, các cơ quan an ninh tại Mỹ hiện đang nghiên cứu, phát triển “Facebook chống khủng bố” với kỳ vọng sẽ là công cụ hiệu quả để ngăn chặn làn sóng khủng bố đang lan rộng.
Một ngân hàng dữ liệu về các phần tử khủng bố quốc tế đang được xây dựng. Những thông tin thu thập được sau đó sẽ được chọn lọc, phân tích bởi các chương trình máy tính phức tạp với mục đích nhận diện những tên cầm đầu các nhóm tội phạm và dự đoán những cuộc tấn công khủng bố trước khi nó diễn ra.

Vụ khủng bố 11-9 tại New York.
Với việc phân tích những mạng xã hội hay những kênh liên lạc tồn tại giữa những tên khủng bố đã được xác định, giữa những kẻ bị tình nghi và thậm chí cả những người vô tội từng bị bắt giữ nhầm trong một thời điểm nào đó, các cơ quan an ninh tin tưởng đây sẽ là một phương thức đấu tranh chống lại khủng bố một cách hiệu quả.
Theo các nhà nghiên cứu, thực chất đây là việc lưu trữ một lượng lớn các thông tin cá nhân và sử dụng chương trình máy tính sắp xếp thành các nhóm, tổ chức để tiện bề theo dõi. Công cụ này cũng giúp tránh bỏ sót những đối tượng nhạy cảm cần theo dõi, điều mà các cơ quan an ninh thi thoảng vẫn hay “quên”.
Thực tế, lý thuyết này đã được áp dụng tại cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Hàng ngàn người tại 2 quốc gia này đã bị bắt giữ, khảo cung để lấy thông tin. Những thông tin trên được đưa vào các ngân hàng dữ liệu rồi sau đó máy vi tính sẽ có nhiệm vụ tổng hợp, phân tích.
Ngoài các nguồn tin từ việc tra khảo các nghi can, các cơ quan an ninh cũng khai thác triệt để những thông tin từ các phương tiện giao tiếp khác như thư điện tử, các cuộc nói chuyện qua điện thoại… Chỉ riêng tại Mỹ, hàng trăm triệu USD đã được đầu tư để phát triển các công nghệ khai thác thông tin.
Giáo sư Kathleen Carley thuộc Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ) cho biết: “Phân tích mạng xã hội là để nắm bắt được thông tin người đó là ai, người đó nói chuyện với ai, nội dung là gì…”. Theo Giáo sư Carley, những lợi ích đem lại từ “Facebook chống khủng bố” là vô cùng to lớn. Đồng quan điểm với Giáo sư Carley, Giáo sư Ian McCulloh thuộc Học viện Quân sự West Point tại New York (Mỹ) cho hay trước khi tiến hành các hoạt động khủng bố, các tổ chức tội phạm thường có những “chuyển động” như lên kế hoạch, tìm kiếm kinh phí và nhân lực để thực hiện kế hoạch. Tất cả những “chuyển động” này sẽ có thể được tìm thấy khi có hệ thống theo dõi với công nghệ hiện đại. Phân tích mạng xã hội có thể dự đoán được thời điểm những vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra.
Tuy nhiên, việc phát triển mạng xã hội kiểu này cũng vấp phải khá nhiều chỉ trích. Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối và cho rằng việc thiết lập mạng xã hội chống khủng bố rất mất thời gian, lợi bất cập hại và vấn đề được đặc biệt quan tâm đó là quyền con người bị xâm phạm. Hàng ngàn người vô tội có thể bị bắt giữ và tra khảo chỉ để phục vụ cho việc có được thông tin cho một mạng xã hội.
Anh Văn (Theo Independent)