Ngày 12-11, Viện Nghiên cứu phát triển hải ngoại (Anh) và Tổ chức Oil Change International (Mỹ) đã công bố một nghiên cứu rất đáng chú ý. Theo đó, các nền kinh tế lớn của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã chi 452 tỷ USD/năm để hỗ trợ khai thác nhiên liệu hóa thạch, bất chấp việc cam kết ngăn chặn hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.
Đầu tư cho khai thác nhiên liệu hóa thạch gấp 4 lần năng lượng sạch
Theo báo cáo trên, số tiền G20 - trong đó có Australia, Brazil, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hỗ trợ khai thác nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ cao gấp 4 lần con số thế giới hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Sự hỗ trợ này được thực hiện qua các khoản ưu đãi như giảm thuế (78 tỷ USD), đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước (286 tỷ USD), khoản vay từ các ngân hàng nhà nước (88 tỷ USD) trong 2 năm qua. Trung Quốc là quốc gia đầu tư mạnh nhất cho khai thác nhiên liệu hóa thạch ở mức 77 tỷ USD/năm. Shelagh Whitley, chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển hải ngoại, chỉ trích chính phủ các nước nhóm G20 đang trả tiền cho doanh nghiệp làm xói mòn chính sách chống biến đổi khí hậu của họ.
Sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu
Trước tình trạng đáng báo động trên, báo cáo đã đề xuất hàng loạt các giải pháp: đưa ra thời gian biểu nghiêm ngặt về việc chấm dứt các hình thức hỗ trợ khai thác nhiên liệu hóa thạch; tăng cường tính minh bạch về chính sách hỗ trợ và tăng cường hỗ trợ cho phát triển nền kinh tế ít carbon. Bản báo cáo được công bố chỉ vài tuần trước khi Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) diễn ra tại Paris (Pháp), nơi khoảng 100 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước sẽ thảo luận về việc ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu đáng báo động, gây ra bởi khí thải gây hiệu ứng nhà kính sinh ra từ nhiên liệu hóa thạch.
Biến đổi khí hậu và an ninh quốc gia
Mặc dù có tên trong danh sách các quốc gia chịu trách nhiệm gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu của bản báo cáo trên, mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu về vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh quốc gia tại Trường Đại học Old Dominion, trong đó kêu gọi Mỹ cần giữ vai trò đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ môi trường. Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Kerry đã liệt kê các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do biến đổi khí hậu gây nên, bao gồm tình trạng hạn hán, nước biển dâng, tan băng ở Bắc cực, những cơn bão ngày càng mạnh hơn và xuất hiện thường xuyên hơn. Ông Kerry nhấn mạnh quan điểm coi vấn đề biến đổi khí hậu là một ưu tiên hàng đầu, vì không chỉ là mối đe dọa đối với môi trường mà còn cả với an ninh Mỹ nói riêng và các quốc gia khác nói chung. Theo một bài phân tích của tờ Foreign Policy của Mỹ, trong thời gian qua, Mỹ thực sự đạt được tiến bộ nhất định trong việc định hình lại ngành năng lượng và cắt giảm khí thải CO2 nhờ sự bùng nổ về công nghệ sản xuất khí đốt tự nhiên và việc áp dụng các quy định môi trường chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, đa số các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong quốc hội luôn cản trở nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc hạn chế hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy nguồn năng lượng sạch.
Việc gắn biến đổi khí hậu với an ninh quốc gia cũng phản ánh chiến lược thống nhất trong quân đội Mỹ, Anh và NATO. Cụ thể, Pháp đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia nói tiếng Pháp tại châu Phi. Các vị tướng Australia đã về hưu đang kêu gọi Canberra tập trung hơn vào những thách thức mà biến đổi khí hậu mang lại cho quân đội nước này. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia nhiều năm qua đã phản đối quan điểm cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến an ninh, nay cũng bắt đầu suy nghĩ lại về việc mực nước biển tăng và nhiệt độ ấm hơn có thể ảnh hưởng đến nền an ninh và sự ổn định của nước này.
Đỗ Cao (Tổng hợp)