G20 tìm giải pháp ổn định kinh tế

Theo Reuters, ngày 4-9, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) được khai mạc tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Với mục tiêu tìm ra các biện pháp ngăn chặn suy giảm tăng trưởng trong bối cảnh những bất ổn từ nền kinh tế Trung Quốc, hội nghị được cho là sẽ gây tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu.
G20 tìm giải pháp ổn định kinh tế

Theo Reuters, ngày 4-9, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) được khai mạc tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Với mục tiêu tìm ra các biện pháp ngăn chặn suy giảm tăng trưởng trong bối cảnh những bất ổn từ nền kinh tế Trung Quốc, hội nghị được cho là sẽ gây tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu.

Eurozone hạ dự báo tăng trưởng

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Tara Aso cho biết, cuộc họp là cơ hội để mổ xẻ sự tụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc trong thời gian gần đây. Theo các chuyên gia phân tích, cuộc họp cũng không loại trừ kế hoạch thảo luận việc tái cấu trúc nền kinh tế đang có dấu hiệu “hạ cánh cứng” của Trung Quốc. Với việc hạ giá nhân dân tệ (NDT), Trung Quốc đẩy các quốc gia khác vào tình thế bất lợi, khi sức cạnh tranh của hàng hóa từ các quốc gia này giảm sút.

Trước thềm diễn ra hội nghị, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét bất ổn tại Trung Quốc và các yếu tố khác, như dòng chảy vốn đảo chiều, đang làm tăng rủi ro lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục nhích lên trong nửa cuối 2015 và 2016, nhờ giá dầu giảm. Trái lại, giá dầu thấp sẽ là đòn giáng lên các nước đang phát triển, vốn đang chịu ảnh hưởng từ đồng USD mạnh và NDT yếu.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giai đoạn 2015-2017. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong khối sẽ tăng ở mức 1,4% trong năm nay so với dự báo 1,5% trước đó; năm sau là 1,7% so với 1,9% và năm kế tiếp chỉ tăng 1,7% thay vì 2%.

Tỷ lệ lạm phát trong khối của cả năm 2015 cũng giảm còn 0,1% so với dự báo 0,3% trước đó. ECB giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,05%/năm. Ngay sau tuyên bố này, đồng EUR đã giảm giá 1,07% so với đồng USD, còn 1,1107 USD/EUR.

Trái với sự lo âu của một số nước châu Âu, các chỉ số kinh tế Mỹ tiếp tục khởi sắc. Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 7 đã giảm 7,4% xuống còn 41,9 tỷ USD, thấp hơn mức dự đoán 42,4 tỷ USD của giới chuyên gia và là mức thấp nhất kể từ tháng 2-2015. Hoạt động xuất khẩu khởi sắc là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới kết quả này.

Chứng khoán đảo chiều

Trong phiên giao dịch ngày 4-9, TTCK châu Á và châu Âu bất ngờ sụt giảm sau khi có phiên tăng điểm vào ngày 3-9. Tại châu Á, chỉ số Topix 500 và Nikkei 500 (Nhật Bản) giảm xuống 2,07% và 2,35%, ở mức 1.127 và 1.592 điểm. Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,2%, ở mức 3.311 điểm. Chỉ số Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,54% xuống còn 1.886 điểm. Ở châu Âu, các chỉ số FTSE (Anh), CAC (Pháp), DAX (Đức) đều có mức giảm từ 0,04% đến 1,44%.

Tại một phiên giao dịch ở sàn giao dịch điện tử New York (Mỹ)

Trong khi đó, tại sàn giao dịch điện tử New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn doanh nghiệp giảm 1,46%, đạt mức 16.136 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 giảm 1,47%, xuống mức 1.922 điểm. Riêng chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite giảm 1,03%, xuống 4.684 điểm. Cũng trong phiên giao dịch cùng ngày, giá dầu WTI giao tháng 10 giảm 0,69%, xuống còn 46,20 USD/thùng. Giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 10 giảm 0,8%, xuống còn 49,98 USD/thùng. Giá vàng giảm 0,47% và được giao dịch ở 1.119,2 USD/ounce.

Trong thời điểm diễn ra hội nghị của G20, Nga cũng đang chủ trì hội nghị mang tên Diễn đàn kinh tế phương Đông ở Vladivostok. Phát biểu vào ngày 4-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga ưu tiên mở rộng tự do kinh tế và tạo những điều kiện tốt nhất cho giới đầu tư trong nước để hoạt động doanh nghiệp tại vùng Viễn Đông. Hội nghị được cho là nhằm tháo gỡ các khó khăn về kinh tế mà nước Nga đang phải đối mặt sau khi Liên minh châu Âu  thông qua quyết định kéo dài trừng phạt Nga đến tháng 3-2016.

THANH HẰNG (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục