G20 ưu tiên giảm thất nghiệp

Tuân thủ tiêu chuẩn của ILO
G20 ưu tiên giảm thất nghiệp

Cuộc họp tại Paris (Pháp) của các bộ trưởng lao động thuộc nhóm các nước phát triển và đang phát triển (G20) ngày 27-9 đã nhất trí đưa vấn đề giảm thất nghiệp trở thành ưu tiên của khối trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng kép về kinh tế.

Công nhân ngành bưu chính kêu gọi Chính phủ Mỹ cứu ngành này, tránh sa thải hàng loạt.

Công nhân ngành bưu chính kêu gọi Chính phủ Mỹ cứu ngành này, tránh sa thải hàng loạt.

Tuân thủ tiêu chuẩn của ILO

Các bộ trưởng cam kết thực hiện việc bảo đảm những lợi ích căn bản về xã hội cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đối với người lao động nhằm mục đích xây dựng một nền kinh tế toàn cầu công bằng hơn. Cụ thể, việc bảo đảm về an sinh xã hội phải dựa trên 3 trụ cột: chăm sóc sức khỏe, bảo đảm thu nhập cho người tàn tật và người già, mang lại lợi ích cho những người có hoàn cảnh khó khăn và thu nhập cho những người thất nghiệp cũng như công nhân nghèo.

Những khó khăn tại các nền kinh tế phát triển đang đe dọa đến người làm công ăn lương. Nếu các chính phủ này không có những hành động kịp thời, con số người thất nghiệp trong G20 có thể tăng lên 40 triệu người vào năm 2012 so với 20 triệu người hiện nay. Trên bình diện toàn cầu, con số này hiện ở mức 200 triệu người, mức cao nhất kể từ thời kỳ đại suy thoái năm 1930.

Đối tượng bị thất nghiệp nhiều nhất là công nhân trẻ, số thanh niên thất nghiệp hiện nay cao gấp hai hoặc ba so với những người khác. 

Cắt giảm chi tiêu, không cắt giảm việc làm

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), các chính phủ trên thế giới nói chung và G20 nói riêng không nên để việc cắt giảm chi tiêu ảnh hưởng đến vấn đề tạo việc làm. Vì vấn đề tạo việc làm cũng là yếu tố quan trọng để phục hồi kinh tế. Nhiều nước châu Âu, nhất là các nước đang gặp khủng hoảng nợ như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Ireland… do yêu cầu của các chủ nợ đã phải cắt giảm chi tiêu, dẫn đến cắt giảm việc làm. Hy Lạp hiện có tỷ lệ thất nghiệp 16% và Tây Ban Nha 21%. Những cuộc đình công và biểu tình bạo động tại 2 nước này đã buộc chính phủ chú trọng hơn vào chương trình tạo việc làm. OECD và ILO khẳng định, thắt chặt chi tiêu là cần thiết nhưng chi tiêu để tạo thêm việc làm là nhiệm vụ của các chính phủ.

Theo ông Stefano Scarpetta, chuyên gia hàng đầu về lao động của OECD nói: “Những nước còn khả năng tài chính, thông điệp của chúng tôi thật rõ ràng, hãy sử dụng tiền để tạo ra việc làm”. Những nước khó khăn, theo ông, cần phải chi tiền để giúp các doanh nghiệp tự tin hơn để thuê mướn nhân công. Ông Scarpetta khen ngợi cách chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp thu nhận lao động mới. Ông cho rằng nếu không có các biện pháp như vậy, các doanh nghiệp có tâm lý chờ cho đến khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục mới thuê  nhân công. Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn xuất hiện: doanh nghiệp chờ kinh tế phục hồi trong khi thất nghiệp ngày càng cao, càng làm kinh tế đi xuống.

Tổng giám đốc ILO Juan Somavia cho rằng các doanh nghiệp nhỏ chính là động cơ tạo việc làm, vì vậy, trong thời điểm khó khăn này, họ cần được giúp đỡ đặc biệt để tạo thêm việc làm.

Khánh Minh

Tin cùng chuyên mục