* Hàng chục ngàn người Hàn Quốc biểu tình phản đối Hội nghị G20
Theo báo cáo nghiên cứu công bố ngày 8-11 trên trang điện tử của Global Trade Alert (GTA - có địa chỉ là www.globaltradealert.org), các nước thành viên Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) vẫn tiếp tục thực thi các chính sách mang tính bảo hộ, trong khi họ liên tiếp khẳng định cam kết sẽ không đóng cửa thị trường và nạn nhân chủ yếu chính là các nước đang phát triển.
Báo cáo của GTA cho thấy, kể từ hội nghị lần trước diễn ra hồi tháng 6-2010, các nước G20 đã áp dụng 111 biện pháp ảnh hưởng xấu tới lợi ích thương mại của nước ngoài. Tổng số các biện pháp như vậy được các chính phủ G20 triển khai trong thời kỳ suy thoái lẫn phục hồi đã vượt con số 500 lên tới 511.
GTA cũng cho rằng, kể từ khi nổ ra khủng hoảng tài chính-kinh tế, chính phủ các nước đã triển khai 141 chính sách gây tổn thương cho các thương gia và lao động di cư của 50 nước kém phát triển (LDC) nhất thế giới. GTA hối thúc G20 phải đảm bảo rằng bất kỳ sáng kiến nào về thương mại và đầu tư được đưa ra sẽ không ảnh hưởng đến các nước nghèo nhất thế giới.
Simon Evenett, Giáo sư kinh tế học thuộc Trường Đại học St. Gallen University (Thụy Sĩ) và là một trong số những thành viên sáng lập GTA, nói rằng: “Việc vượt qua con số 500 đang làm tăng thêm những nghi ngờ về thực lực của G20 trong vai trò tiên phong chống chủ nghĩa bảo hộ”.
Ông S.Evenett nhận định: “Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul có nguy cơ sẽ làm tăng thêm sự mập mờ trong chính sách thương mại và phát triển, theo đó làm sống dậy những lo ngại đã có từ lâu rằng những gì mà họ cho đi bằng tay này (thông qua viện trợ và những biện pháp hỗ trợ khác) sẽ lấy lại bằng tay kia (với hình thức chủ nghĩa bảo hộ)”.
Trước đó, ngày 7-11, tại thủ đô Seoul, hàng chục ngàn người Hàn Quốc đã tổ chức biểu tình phản đối Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 12-11 tới (ảnh). Những người tổ chức biểu tình tuyên bố họ sẽ tiếp tục tranh đấu cho vấn đề lương tối thiểu, giải quyết vấn đề thất nghiệp cho giới trẻ và không bao giờ cho phép 20 quốc gia hàng đầu quyết định số phận toàn thế giới.
- G20 gồm các thành viên nhóm G7 là Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và 12 nền kinh tế đang phát triển hàng đầu thế giới là Argentina, Australia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. |
V.A.