Bao nhiêu lần qua lại với phù sa sông Son (Quảng Bình) là bấy nhiêu lần ngẩn ngơ trước gái đẹp xứ này. Con sông như vô danh trước vạn nẻo sông quê, nhưng con gái trong lưu vực của nó đẹp lạ kỳ giữa vô vàn nặng trĩu ruộng vườn bùn đất. Chỉ mới nhìn qua ánh gặp bên đường hay lối mòn ruộng ngô, hoặc sau tay lái chèo đò cũng đủ ám ảnh không thể mờ phai...
1. Sông Son chảy bên trong các hang động, lẩn khuất dưới những rặng núi đá vôi xứ Kẻ Bàng rồi tung mình chảy qua khe nứt bên trong động Phong Nha, một nhánh nữa vắt qua đoạn sông Chày, nép mình trong hang Tối rồi hợp lưu ở ngã ba bến Mé. Từ đó tạo ra lưu vực làng mạc Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch, Khương Hà... chảy về dưới xuôi nhập nước vô sông Gianh rồi hòa vào biển Đông.
Con nước sông Son sắc lạnh đến mê hoặc. Mùa hạ, đáy sông ánh lên trời, rõ từng con cá cái tôm di cư. Nước mùa ấy, phụ nữ thường lấy rửa mặt, từng gánh nước đưa về làng dưới ánh trăng đêm như chất tẩy trần cho con gái xứ này ngày mỗi tinh khiết. Mùa giông gió, nước đỏ như màu son mỡ, chất nặng phù sa, bến vắng không một bóng con gái đi ra. Những ngày dòng sông đỏ quạch ấy, lỡ bước lạc vào xứ này, thèm nhớ một lần được ngắm con gái trong làng ra phía bờ sông... Họa hoằn lắm mới thấy bóng dáng thấp thó trên những triền núi, những chiếc nón lúp xúp hái cỏ giữa mưa trời ẩm lạnh.
Một khúc sông Son dưới rặng Kẻ Bàng
Bên dưới rặng núi Kẻ Bàng là vô số hang động. Hai bên dòng sông làng mạc trù mật, thi thoảng tháp chuông nhà thờ cao vút giữa trời xanh, giữa cây cối sâu thẳm. Bên trong, cứ chiều cuối tuần, con gái xứ này cất nón không lên núi, mặc bộ áo dài không còn mới mà vẫn đẹp đến xiu lòng vào nhà thờ đi lễ. Chỉ ngắm như thế thôi, khách khứa phương xa như tôi cũng đủ da diết mà ngẩn ngơ. Những tiếng cười con gái xứ này khúc khích thầm kín, chỉ một cái chào thôi đã ửng hồng đôi má. Một nụ cười bẽn lẽn vén lên cả khúc sông sau buổi sương che núi...
Xứ sông Son ai chả biết lừng danh với hang động. Nhưng làng mạc thì nền nã chưa biết được tên với thế giới bên ngoài. Con gái xứ núi này cũng thế, lặng lẽ, thuần khiết, chịu thương chịu khó... Đẹp vô danh giữa cuộc đời sôi nổi bên ngoài, tự nhiên đang giấu kín họ giữa miền xa lắc. Bao bữa rượu với đò dọc sông Son mới thấy một chút thôi con gái đẹp vùng này. Mộc mạc nhưng cách nói chuyện, ứng biến quả khó mà quên đi ngày một ngày hai.
Có một cái bến vô danh khuất nẻo mà con gái ở Trằm hay Mé vẫn thường tắm theo cách quê mùa ở đó. Một lần tình cờ đi qua được nghe tiếng khỏa nước phải tìm cho được. Cũng thế mà nghe kể, đấy là bến tắm của tiên xưa ghé chơi. Chốn đó có nguồn nước phun lên. Nó chỉ dành cho con gái xóm quê, bọn thanh niên không được đến dùng. Chỉ con gái chưa chồng mới có đặc quyền đó. Nó tự nhiên, ngó vô như bao bến sông khác, không có chi cuốn hút. Nhưng đặc ân con gái trong mé núi được ủ trong hơi nước đó trước khi lấy chồng là trời đất ban tặng cho nết đảm đang thùy mị.
2. Bên kia ngọn Rào Nan trong hẻm núi nhỏ, nước của nó cũng góp chút sinh lực làm đẹp gái quê. Mảnh làng be bé ấy chỉ một con đường độc đạo đi vô. Nhưng con gái xứ quê ở đây đẹp rạng rỡ dưới vành nón ẩm đầy mồ hôi lao động. Mai, một thôn nữ má hây hây, nhà Mai nghèo, nằm ở cuối xóm. Học xong lớp 12 em về xuôi kiếm việc. Tôi gặp trong một quán cà phê nhỏ ở phố thị Đồng Hới. Hỏi em ở đâu. Mai bẽn lẽn nói em ở xa lắm. Miệt trên thôn Ngọn Rào. Mai mưu sinh xứ thị, đến mùa màng lại xin về cùng thu hoạch vụ với mẹ. Khổ cực oằn vai, thế mà con gái ở đây nhìn vô cứ nở nụ cười như không. Dáng điệu của Mai cũng thế, không có gì trách móc cuộc đời, vượt qua như nước chảy. Lại nể nữa, phép tắc, dung dị. Đôi mắt của con gái Ngọn Rào trong đen long lanh. Nhìn cuộc đời bên ngoài mảnh làng nhỏ cứ xa xa, gần gần, ngỡ ngỡ ngàng ngàng. Ai hỏi gì cũng nói nhiệt tình. Ai buông lời chi cũng cười như đã tha thiết. Thế nhưng, có biết lâu mới thấy, bên trong đó là bảo chứng con cái nết na của xứ làng trong hốc núi.
Cũng bao anh có lời thương nhưng Mai vẫn đằm thắm từ chối. Bao nhiêu khách khứa đến quán mở lời yêu cho dù quê Mai xa cực, thiếu nữ ấy vẫn không hề lay động khi chưa kiếm được người ưng ý. Cái vẻ của con gái nơi này là thế, chỉ đến khi một chàng trai lao động nghèo tìm đến, Mai chọn cho cuộc chung thủy. Con gái xứ ấy như Mai rất nhiều, chẳng màng đến giàu sang phú quý, giữ cái nết na để cần cù đảm đang là của quý sâu thẳm trong tiềm thức. Cũng lâu lắm mới gặp lại, Mai đã con bế con bồng nhưng cái duyên của nết sông Son vẫn mây mẩy giữa gió lạnh mùa đông.
Đạo, một chàng trai Nghệ An lên xứ sông Son của Bố Trạch làm rể chỉ vì một nụ cười của cô bạn gái học sư phạm Vinh trong một dịp gặp tình cờ. Bao nhiêu cuộc rượu, Đạo cứ kể bất tận về nụ cười ấy, cô gái ấy: "Không thể quên được. Em không phải thi sĩ, cũng không phải nhà văn, chỉ là một người dạy toán, nhưng chỉ bữa đầu vào năm nhất, bắt gặp ánh mắt của cô ấy thôi mà đã phải tìm về sông Son ngay kỳ nghỉ hè đầu tiên. Về sông Son mới biết cái xóm này, cái làng này những người có ánh mắt như cô ấy là vợ em đó không phải ít. Nhiều người có đôi mắt trong sáng đến vô tư, mà nết na thì vô cùng. Ánh mắt lương thiện ấy làm cho em ở rể, em quyết ở lại mảnh đất này để cùng đồng cam với người vợ từng là bạn của em". Cũng kịch tính đến bốn năm, bữa ra trường Đạo, mới giữ được ánh mắt ấy là của mình, lúc đó mới biết người con gái bên sông Son bình dị ấy đã thề theo Đạo dưới bóng chuông nhà thờ. Họ tổ chức đám cưới, chú rể có quyền đưa dâu về quê ở mãi, nhưng Đạo lại mua đất cất nhà ở xứ sông Son để giữ lặng trong hồn ánh mắt đầu tiên được trải nghiệm buổi năm nhất. Nay họ đã có hai đứa con, vợ chồng đều là giáo viên...
3. Bên sông Son có làng tuồng Khương Hà của xã Hưng Trạch. Con gái đất này nền nã đến lạ. Nhiều thiếu nữ lớn lên theo tiếng tuồng bội giữa làng mà nhớ nhiều tích xưa, đối đáp gọn gàng, thông minh quyến rũ. Nếu ghé thân ở làng này, không ít con gái nhẩm thuộc những câu như: "Phụ tử đắc kỳ hiếu/ Quân thần tận kỳ trung/ Phu phụ đơn kỳ thuận/ Bằng hữu chi kỳ tín". Cô bạn ở đây giải thích con gái làng này dịch đơn giản thôi: "Cha con được hiếu/ Vua tôi tận trung/ Vợ chồng hòa thuận/ Bạn bè tin nhau/ Anh em tương kính". Làng Khương Hà bên dòng sông Son, xưa con gái làm ruộng, con trai làm thợ sơn tràng, thế nhưng trong chân lấm khó khăn, hễ có gặp ai dưới ruộng ngô đều ánh lên cái đẹp trong quê mùa. Mà không chỉ làng này thiếu nữ khiến vùng khác phải ngước nhìn mà nhiều làng khác bên sông Son cũng khiến bao người thầm khen.
Nhiều lý giải xung quanh cũng được gợi ra bởi các bô lão bên xứ sông này. Nào do sắc nước đá vôi làm con gái có làn da khuôn mặt cuốn hút, nào vùng đất không nóng quá, không lạnh quá, nào công việc tuy mệt nhưng rèn luyện thiếu nữ can trường với khó khăn... Nhưng có không ít người từng nói rằng, nơi đây xưa là rừng núi hoang vu, từng là đường thượng đạo của phong trào Cần Vương từ kinh thành Huế ra. Theo giá vua là nhiều mỹ nữ đi theo hầu cận, nhưng sau này vì việc lớn mà nhà vua cho cung tần trở lại về quê. Có người tìm đường vô lại kinh thành, có người ở lại lập xóm lập làng với dân bản địa mà hậu thế sinh thành sau này con gái đều đẹp. Đó như một cách lý giải hợp lý, để ngắm về gái đẹp miền sông Son níu chân lữ khách. Nhưng có một giải thích chắc chắn, phù sa dòng sông này tạo cho con gái nết na và đẹp độ thùy dung.
MINH PHONG