Gam màu sáng cho kinh tế thế giới 2014

2013 - năm bản lề
Gam màu sáng cho kinh tế thế giới 2014

Thời khắc chuyển sang năm 2014 sắp điểm với nhiều kỳ vọng một năm kinh tế tươi sáng hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế có cùng nhận định rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ nhanh hơn dù khó có bước nhảy vọt.

Thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến nhiều phiên tăng điểm trong năm 2013, một dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến nhiều phiên tăng điểm trong năm 2013, một dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế đứng đầu thế giới.

2013 - năm bản lề

Theo Hãng Reuters, có nhiều sự kiện trong năm 2013 giúp các nhà đầu tư và giới quan sát tin tưởng kinh tế năm 2014 sẽ sáng sủa hơn. Đầu năm 2013, hầu hết các định chế tài chính lớn trên thế giới đều nhận định không mấy lạc quan về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế châu Âu được dự báo tiếp tục ảm đạm trong khoảng 2 - 3 năm nữa, tăng trưởng thậm chí vẫn âm trước khi có thể tăng nhẹ vào năm 2014.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là hoạt động kinh tế của châu Âu nói chung và khu vực đồng euro (Eurozone) nói riêng đã có những dấu hiệu đáng mừng, khiến những định chế tài chính trên phải điều chỉnh dự báo. Eurozone chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ khi khối này được thành lập vào năm 1999 khi GDP quý 2-2013 tăng 0,3%.

Đầu tháng 12 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giảm bớt gói kích thích kinh tế sau khi có nhiều tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế đứng đầu thế giới. Nhật Bản được đánh giá là đang trở lại đà tăng trưởng. Không chỉ lấy lại đà phục hồi ngay từ nửa đầu năm 2013, nền kinh tế xứ Phù Tang xuất hiện những dấu hiệu tích cực nhờ học thuyết Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe.

Sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cho dù vẫn là một câu hỏi lớn, song trước thềm năm mới, người dân Nhật Bản có thể tự tin hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái khi nền kinh tế này được dự báo có thể rơi vào cuộc suy thoái thứ 5 trong vòng 15 năm.

Mức tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) không bằng năm 2012. Tuy nhiên, những gì BRICS đạt được trong năm 2013 vẫn được coi là động lực của sự tăng trưởng toàn cầu. Mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2013 là 7,6%, Ấn Độ là 3,8%.

Tháng 10-2013, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3,6% trong năm 2014 so với 2,9% của năm 2013. Có thể nói, 2013 là năm bản lề của kinh tế thế giới.

Kỳ vọng vào Mỹ

Theo một khảo sát dành cho các nhà kinh tế do Reuters tiến hành, Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới, sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định họ chấp nhận tăng trưởng chậm để giúp nền kinh tế thoát khỏi việc tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu. Do đó, Mỹ đang được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế thế giới khởi sắc trong năm 2014.

Lewis Alexander, nhà kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính Nomura, nhận định những biểu hiện tích cực của kinh tế Mỹ thời gian gần đây cho thấy chu kỳ tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế số 1 thế giới đang diễn ra và các thị trường tài sản dường như đang điều chỉnh sự phát triển này.

Mặc dù những dấu hiệu tích cực trên khiến dư luận lạc quan hơn về bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2014, song trên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Chính sách “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu nhằm đối phó cuộc khủng hoảng nợ công có thể khiến lục địa này rơi vào tình trạng nghèo đói kéo dài khi thất nghiệp vẫn ở mức báo động hơn 12%.

Việc FED ngừng chương trình cứu trợ kinh tế có thể sẽ dẫn đến việc tăng mạnh lãi suất dài hạn, đồng thời có thể đẩy các thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng các nhà đầu tư bán tháo tài sản thế chấp, ảnh hưởng đến nguồn đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi. Đó là chưa kể một loạt yếu tố tiêu cực khác như hệ thống ngân hàng còn yếu, thực lực kinh tế của Eurozone chưa ổn định… Tất cả điều đó đều có thể khiến nền kinh tế thế giới chệch khỏi đà phục hồi vẫn còn mong manh.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục