Từng đống hàng cao 2m bên ngoài các cửa hàng, nơi nhân viên ướt đẫm mồ hôi đang phục vụ lượng khách mỗi lúc đông hơn. Đó không phải cảnh mua sắm cuối năm ở một nước giàu mà là cảnh thường ngày tại khu mua sắm Onitsha, miền Nam Nigeria. Mỗi ngày, có 3 triệu người đến đây mua nhu yếu phẩm, đồ công nghệ và cả vật liệu xây dựng. Đây là ngôi nhà chung của hàng triệu thương gia giàu có đến từ vịnh Guinea, nơi từng bị xếp loại nghèo nàn và lạc hậu trong mắt nhiều người thuộc các nước phát triển.
Đã từ lâu, chúng ta dễ dàng nhận ra châu Phi trên những dòng tít lớn của báo chí phương Tây với nạn đói, dịch bệnh mà hầu như ít thấy những thành công rất cơ bản của lục địa đen. Thập kỷ qua, trong 10 nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới thì có 6 nước thuộc châu Phi. Trong 8 năm qua, châu Phi đã tăng trưởng nhanh hơn cả Đông Á, nơi có 2 nền kinh tế hàng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản.
Từ năm 2000, giao dịch thương mại giữa châu Phi với thế giới tăng 200%. Lạm phát giảm từ 22% vào những năm 1990 xuống 8% ở hiện tại. Nợ nước ngoài giảm 1/4, còn thâm hụt ngân sách giảm đến 2/3. Từ năm 2000-2008, 1/4 doanh thu của châu lục là từ trao đổi thương mại các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhiều hơn cả doanh thu xuất khẩu tài nguyên.
Khi kinh tế thế giới suy thoái vào năm 2008 châu Phi hầu như không bị ảnh hưởng. Ngay cả khi dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu bị hạ do suy thoái kinh tế Bắc bán cầu thì Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn cho rằng tốc độ tăng trưởng của châu Phi trong năm nay sẽ là 6%, ngang với châu Á. Thậm chí, nhiều chuyên gia lạc quan nói rằng châu Phi tương lai sẽ là “sư tử kinh tế” so với “hổ châu Á” hiện tại.
Sự lột xác của châu Phi trước hết nhờ vào thay đổi nhân khẩu học. Sau 40 năm, dân số ở đây sẽ tăng gấp đôi lên 2 tỷ người, có nghĩa là số người trong tuổi lao động cũng tăng lên. “Cổ tức nhân khẩu học” trước đây góp phần quan trọng cho Đông Á lớn mạnh, giờ đây sẽ mang lại cơ hội lớn cho châu Phi. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu tăng nhanh giúp khu vực kinh tế tư nhân năng động hơn với sự thành công của nhiều doanh nhân da đen trên thương trường quốc tế như “Vua xi măng” Aliko Dangote người Nigeria (tổng tài sản 10,1 tỷ USD).
Theo Ngân hàng Standard, hiện nay 60 triệu gia đình châu Phi có thu nhập 3.000 USD/năm, đến năm 2015 sẽ là 100 triệu hộ. Tỷ lệ đầu tư ra nước ngoài của châu Phi cũng tăng gấp 10 lần trong thập kỷ qua. Ngược lại, nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và thúc đẩy sản xuất, giúp châu Phi dần dần tìm chỗ đứng trong công nghiệp toàn cầu, khởi đầu bằng công nghiệp nhẹ và dịch vụ du lịch với năng suất tăng gần 3%/ năm, so với Mỹ chỉ 2,3%. Thương mại xuyên biên giới từ lâu bị tranh giành chính trị kiềm chế thì giờ đã có nhiều bước chuyển tích cực như giảm thuế quan và các rào cản thương mại dần được phá dỡ.
Đặc biệt, sự đam mê công nghệ của người dân lục địa đen cũng là chìa khóa giúp tăng trưởng. Hiện nay, có 600 triệu người châu Phi dùng điện thoại di động, nhiều hơn châu Mỹ hay châu Âu. Vì thế, các dịch vụ như truyền thông, ngân hàng hay thông tin nông nghiệp qua điện thoại ăn nên làm ra. Khoảng 1/10 diện tích châu Phi được bao phủ bởi các dịch vụ internet di động, cao hơn Ấn Độ là nước đứng đầu về công nghệ thông tin. Ngoài ra, sức khỏe của hàng triệu người châu Phi cũng được cải thiện. Một phần nhờ vào sự phổ biến của màn chống muỗi và nỗ lực chống đại dịch HIV/AIDS…
Tất cả thành tựu trên có được sau 50 năm châu Phi thoát khỏi chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, cái nhìn về châu lục này mới chỉ dừng ở mức hy vọng vì châu Phi vẫn cần cải cách sâu hơn, nhất là chống tham nhũng, chuyên quyền và xung đột sắc tộc. Còn phương Tây thì nên mở rộng cánh cửa thương mại với châu Phi hơn là chỉ có những gói hàng cứu trợ. Trong bóng đêm u ám của nền kinh tế thế giới, châu Phi trở thành một điểm sáng để hy vọng.
THANH HẢI