(SGGP).- Tính đến 21 giờ ngày 17-5, gần 200 đoàn đại biểu của các cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị đến viếng Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu), nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến viếng và ghi sổ tang: “Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi công Anh với những chiến công xuất sắc trong những năm tháng đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh giữa lòng Sài Gòn - Gia Định. Đảng và Nhà nước ta mãi mãi ghi nhớ công lao Anh đã đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
Cùng ngày, đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải dẫn đầu đã đến viếng.
Đồng chí Lê Thanh Hải ghi vào sổ tang: “Đồng chí Nguyễn Đức Hùng đã để lại tấm gương sáng ngời về lòng trung kiên của người cộng sản, tấm gương chiến đấu kiên cường của anh Bộ đội Cụ Hồ”.
Do bận công tác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi vòng hoa và điện chia buồn cùng gia đình Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Hùng.
Đ.Hiệp
Nhớ lắm anh Tư Chu
Tôi nghe danh anh Tư Chu từ hồi kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược khi anh tham gia cướp chính quyền năm 1945. Mặc dù anh Tư Chu sinh ra và lớn lên trên quê hương Hà Tĩnh nhưng được điều động vào Sài Gòn - Gia Định chiến đấu rất sớm.
Anh từng công tác tại Tiểu đoàn 306 do đồng chí Đào Sơn Tây chỉ huy và là người có mặt đầu tiên trong “Ban công tác Thành” - tiền thân của Lực lượng biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (SG-CL-GĐ) sau này. Lúc đó, tuy còn trẻ nhưng Tư Chu đã dũng cảm chiến đấu và lập nhiều chiến công vang dội. Năm 1954, anh được lệnh tập kết ra Bắc, rồi được cấp trên cử đi học quân sự, sau đó lại được điều động vào chiến trường miền Nam chiến đấu.
Còn nhớ, năm 1961 khi Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 về thực hiện cuộc cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị sang kết hợp với đấu tranh vũ trang, theo đó thành lập các khung Bộ Tư lệnh tại các quân khu: 5, 6, 7, 8, 9, SG-GĐ và Bộ Tư lệnh Miền.
Thực hiện nghị quyết này, tháng 5-1961, tình cờ tôi được cùng anh Tư Chu có mặt trong đoàn cán bộ quân sự đầu tiên của miền Bắc (có bí danh là “Phương Đông 1”) bí mật vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu.
Lúc đó, Phương Đông 1 do đồng chí Trần Hải Phụng làm trưởng đoàn, trong đó Tư Chu là Trưởng phòng Quân báo (chuyên nắm tình hình địch rồi báo lại cho chỉ huy để có phương án đánh địch), còn tôi là Trưởng phòng Tác huấn (tức tác chiến và huấn luyện).
Cả hai chúng tôi đều có trách nhiệm quan trọng và nặng nề như nhau đòi hỏi phải phát huy cao độ trí tuệ, tài năng và cả lòng dũng cảm vô biên.
Chúng tôi cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Vào đến miền Nam, chúng tôi được phân công về Quân khu SG-CL-GĐ.
Tuy hoạt động ở hai lĩnh vực Quân báo và Tác huấn khác nhau nhưng chúng tôi biết rõ về hoạt động của nhau, bởi mọi hoạt động của cách mạng đều cùng có một mục đích chung là đánh giặc lập công cứu nước.
Từ năm 1961 đến năm 1965, anh Tư Chu là Chỉ huy trưởng Lực lượng biệt động SG-CL-GĐ đặc biệt tinh nhuệ (bí danh là “F100”). Với vai trò Thủ lĩnh F100, Tư Chu đã cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” vào hàng chục mục tiêu quan trọng của địch và lập nhiều chiến công vang dội.
Đến tháng 10-1967, do yêu cầu của cách mạng miền Nam, Quân khu SG-CL-GĐ giải tán để thành lập 6 phân khu mới, Lực lượng biệt động F100 cũng giải tán, anh Tư Chu được điều động về Lực lượng biệt động SG-GĐ với cương vị là Tham mưu trưởng Phân khu 6 (SG-GĐ), còn tôi là Tham mưu phó Phân khu 6.
Được trực tiếp chiến đấu gần Tư Chu, tôi thấy anh có tài thao lược và chỉ huy nhiều trận đánh thành công. Trong Chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, anh chỉ huy Lực lượng biệt động SG-GĐ đánh vào tòa Đại sứ quán Mỹ, Tổng nha Cảnh sát ngụy, các khách sạn: Metropole, Caravelle, Victoria, cư xá Mỹ và nhiều đồn bốt khác của địch, tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện của kẻ thù khiến chúng kinh hoàng khiếp vía. Đúng như lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét: “Trận đánh nào cũng có bóng dáng Tư Chu đằng sau…”.
Lo sợ trước những trận đánh làm rung chuyển Sài Gòn và chấn động thế giới của Lực lượng biệt động SG-GĐ, kẻ thù đã ráo riết truy bắt “trùm biệt động” Tư Chu nhưng chúng không làm gì được. Xông pha hoạt động trong lòng địch cho đến cuối năm 1973 thì Tư Chu được cấp trên điều động ra Bắc.
Có thể nói, cuộc đời chiến đấu của anh Tư Chu gắn bó mật thiết với Lực lượng biệt động SG-CL-GĐ.
Nay nghe tin anh qua đời, tôi không khỏi bùi ngùi thương tiếc, cầu mong anh hãy yên giấc ngàn thu. Tổ quốc và nhân dân mãi mãi ghi ơn anh nói riêng và Lực lượng biệt động SG-CL-GĐ nói chung.
Đại tá Trần Minh Sơn
Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định
Minh Ngọc (ghi)