Đó là nhận định của phóng viên quốc tế Atika Shubert của kênh truyền hình CNN. Cả hai ông điện đàm thường xuyên trong sự kiện không kích Syria vừa qua và Tổng thống Macron sẽ thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào ngày 24-4.
Có lẽ, với việc tham gia không kích Syria, Tổng thống Macron muốn đưa Pháp vào giai đoạn trung tâm về các vấn đề thế giới. Trước đó, ông Macron cũng đã sát cánh với Mỹ trong chiến dịch tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq, Syria và châu Phi. Trong những ngày trước cuộc tấn công, ông Macron mạnh dạn nói Pháp có “bằng chứng” rằng chế độ Syria đã tiến hành một cuộc tấn công vũ khí hóa học vào người dân của mình, mặc dù ông vẫn chưa xác định cụ thể bằng chứng đó là gì.
Dư luận trong nước thì cho rằng ông Macron đang “dồn lửa ra bên ngoài” để hạ nhiệt những gì đang diễn ra trong nước. Quả thật, gần một năm kể từ chiến thắng trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống (7-5-2017), ông Macron đang đối mặt với sức ép từ trong nước về kế hoạch cải tổ nền kinh tế. Ông chủ trương cải cách lao động và xã hội nhằm hiện đại hóa Pháp và thích ứng với tính cạnh tranh toàn cầu trong thế kỷ 21. Bước đột phá thay đổi đã gây ra những cuộc biểu tình và đình công ồ ạt. Thế nhưng, Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng cuộc cải cách không thể đảo ngược, nếu không nước Pháp sẽ bị rớt lại phía sau của thế giới. Ông muốn giảm vai trò của nhà nước và tăng sức sống trong nền kinh tế bằng cách cắt giảm phúc lợi của người lao động, tăng sự cạnh tranh giữa các công ty. Hồi đầu năm, Chính phủ Pháp bắt đầu thay đổi khi thông qua quyết định tăng thuế với người nghỉ hưu và cắt giảm nhân viên khu vực nhà nước, tổ chức lại hệ thống tư pháp và áp dụng một hệ thống tuyển sinh đại học mới - tất cả đều dẫn đến các cuộc đình công và biểu tình.
Công nhân ngành đường sắt và hàng không đã bắt đầu chiến dịch bãi công, xuống đường biểu tình kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 4 để phản đối kế hoạch của tổng thống nhằm thay đổi toàn diện ngành đường sắt Pháp vì họ lo ngại chương trình cải tổ này sẽ gây ra hệ lụy về công ăn việc làm. Sinh viên các trường đại học xuống đường đồng loạt phản đối việc Tổng thống Pháp có kế hoạch đòi hỏi sinh viên phải học chuyên ngành sớm hơn hiện nay, đồng thời các trường đại học sẽ buộc phải đưa ra nhiều yêu cầu hơn nhằm tuyển lựa sinh viên theo mục đích đào tạo của nhà nước, trái ngược với hệ thống đào tạo trong đó sinh viên được quyền lựa chọn hiện nay.
Các cuộc đình công và biểu tình phản đối đã gợi cho người ta nhớ lại phong trào phản kháng cũng của hai tầng lớp xã hội này diễn ra hồi tháng 5-1968, làm cả nước Pháp sục sôi. Chính phủ Pháp khi đó buộc phải nhượng bộ để tránh một cuộc cách mạng thật sự xảy ra. Xem ra, nếu việc Pháp sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến Syria mang lại mối quan hệ gần gũi giữa ông với Tổng thống Mỹ Trump thì kế hoạch cải tổ nền kinh tế đã đẩy ông xa hơn với nhiều người dân Pháp.