Gánh chổi của đôi vợ chồng khiếm thị

Đôi vợ chồng Nguyễn Thị Thanh Lam và Phạm Đức Công đều bị khiếm thị. Anh chị là một trong số ít hộ còn duy trì nghề làm chổi thủ công truyền thống, học từ Hội Người mù phường Phú Lợi (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)… 
Chị Lam đang hướng dẫn cho một người đồng cảnh ngộ cách làm chổi
Chị Lam đang hướng dẫn cho một người đồng cảnh ngộ cách làm chổi
Mãi đến năm 15 tuổi, chị Lam mới được đi học chữ nổi ở hội người mù của tỉnh. Nhờ sáng dạ, chăm chỉ, sau thời gian ngắn chị đã có thể tự đọc sách chữ nổi. Song song với học văn hóa, chị học làm tăm, làm chổi, bấm huyệt.
Chồng chị Lam hơn vợ 8 tuổi, cùng sinh hoạt chung trong Hội Người mù tỉnh Bình Dương. Vì đã có nhiều năm sinh hoạt ở hội nên anh Công rất thạo việc. Anh thường xuyên dạy chị học chữ và những công đoạn khó khi làm chổi. Thấy anh nhiệt tình chỉ dạy, chị vô cùng biết ơn. Rồi họ yêu nhau, vay nóng 2 triệu đồng, làm tiệc ra mắt người thân, bạn bè, họ nên duyên chồng vợ.
Rời mái ấm của hội, vợ chồng chị Lam thuê một phòng trọ bên ngoài, gắn bó với nghề làm chổi cỏ, chổi sương quét nhà. Chị Lam sinh con đầu lòng và chăm con bằng trực giác. Dường như bé cũng hiểu, lớn hơn chút, bé tự kéo tay mẹ đưa đồ ăn vào đúng miệng mình. Anh Công đi bán cả ngày, về là phụ vợ cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Vợ chồng tuy chẳng nhìn thấy mặt nhau, mặt con, nhưng vẫn cảm nhận niềm hạnh phúc từ những cái siết tay, tiếng cười, giọng nói quen thuộc của nhau. 
Con trai đầu lòng hay bệnh vặt, năm lớp 8 cháu bị té xe gãy đốt sống lưng phải nằm viện gần một tháng. Phải ở lại lớp, cháu tự ti, nhất quyết nghỉ học. Vì kinh tế gia đình chật vật, anh chị Lam đành bằng lòng cho con thôi học. Nhắc lại chuyện xưa, anh Công vẫn tự trách mình không kiên quyết hơn để con được tiếp tục đến lớp. Sau nhiều năm tích góp, anh chị cũng có được ngôi nhà nhỏ ở đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một. Gia đình lại có thêm một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. 
Bán chổi thu nhập thấp, lại bấp bênh, anh chị bán thêm vé số. Không ít lần họ bị kẻ gian giật xấp vé số, chạy mất. Rồi những lần bị tai nạn do đường xấu… Thế nhưng, dù bản thân còn nghèo, anh chị vẫn cưu mang nhiều hoàn cảnh khó khăn trong hội người mù, anh Công nói: “Chúng tôi eo hẹp về kinh tế, nhưng nghĩa tình thì bao la”.
Anh chị sẵn sàng hỗ trợ chỗ ở và tận tâm đào tạo nghề cho người có cùng hoàn cảnh khiếm thị. Đây cũng là cách vợ chồng anh chị dạy hai con biết cảm thông, yêu thương và giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục