Gạo không thiếu, giá ổn định

Không thiếu gạo
Gạo không thiếu, giá ổn định

Cơn sốt ảo giá gạo năm 2008 ở TPHCM nói riêng và ở nhiều tỉnh thành cả nước nói chung là một bài học không thể lập lại dưới bất kỳ hình thức nào. Đó là điều mà lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vianfood 2) cam kết với lãnh đạo UBND TPHCM tại buổi làm việc mới đây nhằm bình ổn giá lương thực, đặc biệt là giá gạo – lương thực liên quan đến người dân.

Không thiếu gạo

Chính vì điều này mà Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng và lãnh đạo các sở ngành TP đã có buổi làm việc với lãnh đạo Vinafood 2 về việc bình ổn giá lương thực, đặc biệt là gạo, trong bối cảnh khó khăn về kinh tế và nguy cơ lạm phát cao.

Ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc Vinafood 2, cam kết, tổng công ty đảm bảo cung ứng đủ mặt hàng gạo, nhất là khi có những biến động bất thường trên thị trường. Ngoài kho dự trữ gạo của Vinafood 2 ở huyện Bình Chánh với công suất 4.000 – 5.000 tấn gạo (nhà máy Satake cũ), sắp tới Vinafood 2 sẽ hoàn thành thêm một kho trữ gạo khác ở gần khu vực này. Vinafood 2 còn có thêm kho dự trữ ở Long An và Tiền Giang. Khi TP có yêu cầu Vinafood 2 sẵn sàng cung ứng mặt hàng gạo trong bất cứ tình huống khẩn cấp nào.

Công ty Lương thực TPHCM (Foodcosa), đơn vị thành viên của Vinafood 2 trực tiếp tham gia việc bình ổn mặt hàng gạo, dầu ăn và đường ở TPHCM, sẽ mua tạm trữ lúa và dự trữ gạo ngay từ vụ đông xuân, chủ động tạo nguồn hàng nhằm đảm bảo việc bình ổn giá suốt năm.

Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Foodcosa, cho biết, năm 2011, mỗi tháng Foodcosa đảm nhiệm bình ổn 2.500 tấn gạo thường, 500 tấn gạo thơm, 150 tấn đường và 100 tấn dầu ăn. Trong đó, việc bình ổn 500 tấn gạo thơm là từ nguồn vốn tự có của công ty thay vì nhận tiền hỗ trợ không lãi suất của TP, góp phần cùng TP vượt qua khó khăn hiện nay.

Mua gạo bình ổn giá tại Foocomart. Ảnh: THANH TÂM

Mua gạo bình ổn giá tại Foocomart. Ảnh: THANH TÂM

Để việc bình ổn giá đi vào thiết thực, ông Thành kiến nghị việc bình ổn theo nguyên tắc bán thấp hơn giá thị trường 10%, phù hợp với thực tế hơn so với năm 2010, khi việc giữ nguyên giá đăng ký gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị tham gia bình ổn. Chỉ khi giá thị trường tăng hơn 10% mới đề nghị điều chỉnh, ngược lại, nếu giá thị trường giảm, công ty sẽ điều chỉnh xuống và bán hàng đúng giá niêm yết.

Mở rộng mạng lưới phân phối

Để việc đưa mặt hàng gạo đến gần và rộng khắp người dân các quận, huyện, nhằm phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng, ông Trương Thanh Phong đề nghị TP tạo điều kiện để Vinafood 2 có thể mở thêm nhiều điểm bán gạo, nhất là các quận 7, 9, 12, Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ.

Theo ông Thành, hiện nay Foodcosa có 51 cửa hàng bình ổn, mong TP cho phép và tạo điều kiện công ty xây dựng thêm các kho khu vực liên quận hoặc liên huyện như ở Củ Chi, Cần Giờ… gắn liền với các cửa hàng bình ổn để dự trữ và chủ động ngay tại chỗ khi có biến động bất thường, dập tắt ngay cơn sốt giá.

Nhưng điều mà lãnh đạo TP và cả Vinafood 2 có cùng quan điểm là cần thiết và nhanh chóng mở ngay các điểm bán gạo bình ổn tại các khu công nghiệp và khu chế xuất mà trước đây chưa được chú ý, trong khi nơi đây tập trung một lượng lớn công nhân lao động.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Vinafood 2 là đơn vị có đủ tiềm lực (mặt bằng, vốn…) trong việc chủ động tạo nguồn hàng để bình ổn mặt hàng lương thực cho TP, nhất là gạo, đồng thời hoan nghênh Vinafood 2 khi có sự cam kết và đảm bảo bình ổn mặt hàng gạo trong bối cảnh dân số TP ngày càng tăng và thị trường nhiều biến động. Đây là doanh nghiệp nhà nước góp phần cùng TP phát huy năng lực bán lẻ, dẫn đến việc chiếm lĩnh thị phần bán lẻ, góp phần bình ổn và dẫn dắt giá bán mặt hàng gạo.

Không dừng lại ở việc bình ổn ở mỗi doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị tham gia bình ổn giá cùng nhau phối hợp trong việc cùng phân phối sản phẩm bình ổn. Thay vì từng đơn vị có điểm bán riêng lẻ, nay các sản phẩm của tất cả đơn vị tham gia bình ổn cùng có mặt trong từng điểm bán lẻ, để việc phân phối các mặt được nhân rộng ra, phủ kín nhiều hơn, đến được với nhiều người tiêu dùng hơn.

TP đồng ý và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới, chú ý bà con vùng sâu, vùng xa như Cần Giờ. Điều có thể làm ngay là nên làm việc trực tiếp với lãnh đạo các khu công nghiệp và khu chế xuất ký hợp đồng cung ứng gạo trực tiếp cho các bếp ăn tập thể ở những nơi này.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục