Gặp dân để giải quyết chính sách

Được hay không, cần phản hồi tới dân

150 đại diện gia đình chính sách tại huyện Củ Chi, TPHCM vừa trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Sở LĐTB-XH TPHCM và các ban, ngành về các khó khăn, vướng mắc trong xét duyệt hồ sơ chế độ người có công với cách mạng. Nhờ vậy, nhiều vấn đề đã được giải quyết thấu tình đạt lý.

Cán bộ Sở LĐTB-XH TPHCM gặp gỡ người dân huyện Củ Chi ghi nhận lại yêu cầu,
tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ chính sách

Được hay không, cần phản hồi tới dân

Buổi gặp gỡ là ngày hội gia đình chính sách lần đầu tiên được Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức và sẽ nhân rộng cách làm này ra các quận, huyện khác trên địa bàn TP. Trong khi các gia đình chính sách chỉ ra những vướng mắc trong việc giải quyết hồ sơ chế độ người có công với lãnh đạo Sở LĐTB-XH cùng các ban, ngành của TP, thì phía cuối hội trường, 12 cán bộ, chuyên viên Phòng Chính sách có công xếp một hàng dài sẵn sàng máy tính, sổ sách trực tiếp tiếp nhận lại từng trường hợp hồ sơ phức tạp, lâu ngày chưa giải quyết.

Bà Vũ Thị Nhung (xã Tân Thông Hội) phản ánh, Bằng Tổ quốc ghi công của hai liệt sĩ trong gia đình bà là Vũ Thế Hùng và Vũ Thế Cường bị hư hỏng từ lâu, đề nghị cấp lại từ cả chục năm nay mà giờ vẫn chưa có. Chính sách thờ cúng của liệt sĩ Vũ Thế Cường cũng chưa có. Ông Trần Văn Sáu (xã Phước Vĩnh An) bức xúc, ông là thương binh có tỷ lệ thương tật 71% sức khỏe. Khi ông làm việc thì ông được hưởng chế độ thương binh; nhưng khi nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động thì lại không được hưởng chế độ thương binh nữa. Ngày 27-7 hàng năm, xã có quà tặng ông, song chế độ an dưỡng thì ông không được hưởng.

Bà Lê Thị Đậm (xã Phước Vĩnh An) nêu ra hàng loạt vấn đề thiếu sót trong thực hiện chính sách có công. Bản thân bà chưa được truy lãnh chế độ bị địch bắt tù đày. Mẹ của bà Đậm tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945, đến khi mẹ của bà mất, hồ sơ giải quyết chính sách của mẹ bà Đậm vẫn chưa được giải quyết. Hồ sơ gửi 3, 4 lần song lại… mất tăm không có phản hồi của cơ quan chức năng. “Hồ sơ được hay không được, cơ quan chức năng cần phản hồi cho người dân. Chứ lúc chết, họ vẫn không biết hồ sơ của mình được hay không thì thật không hay”, bà Đậm yêu cầu. Bà Đậm cũng góp ý thêm, tiền thờ cúng liệt sĩ được 500.000 đồng/năm/liệt sĩ, nhưng hồ sơ để hưởng chế độ này phải có giấy báo tử của từng người, rồi giấy ủy quyền của các thân nhân khác. Theo bà Đậm, đòi hỏi này là rất khó với người thờ cúng, nhất là những liệt sĩ không có vợ, con, cha mẹ mà cháu chắt, họ hàng đang thờ cúng liệt sĩ. Bà Đậm đề nghị, thực tế ai thờ cúng liệt sĩ thì cứ phát chế độ này cho người ta, chứ đòi hỏi thủ tục rắc rối thế, nhiều người tự ái không muốn… đi xin chính sách!

Không vô cảm trước bức xúc của người dân

Ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng phòng Chính sách có công, Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công, sở đã nhận được và gửi tới Bộ LĐTB-XH. Khi nào bằng cấp lại, sở sẽ chuyển tới gia đình. Trước bức xúc của ông Trần Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Huỳnh Thanh Khiết chia sẻ, theo quy định, để hưởng 2 chế độ thương binh và mất sức lao động song song nhau thì thời gian công tác phải trên 20 năm, hoặc có thời gian trong quân đội 15 năm trở lên, hoặc biên bản giám định y khoa chưa gộp tỷ lệ thương tật với tỷ lệ mất sức lao động. Ông Trần Văn Sáu có hơn 13 năm công tác và hiện không được hưởng chế độ thương binh có thể là do khi giải quyết chế độ mất sức, cơ quan chức năng đã lấy tỷ lệ thương tật đắp qua tỷ lệ mất sức lao động. Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, Sở LĐTB-XH sẽ kiểm tra lại 2 biên bản giám định y khoa mất sức và thương binh của ông Sáu. Nếu tỷ lệ thương tật đã tính để giải quyết chế độ mất sức rồi thì thôi, nếu chưa tính thì sẽ tính đầy đủ cho ông Sáu. Ông Huỳnh Thanh Khiết chia sẻ, bức xúc của ông Sáu cũng chính là bức xúc của những người thực hiện chế độ chính sách có công như bản thân ông. Ông Huỳnh Thanh Khiết khẳng định, Sở LĐTB-XH không vô cảm trước bức xúc của bà con mà đã liên tục kiến nghị và tiếp tục kiến nghị bộ, ngành Trung ương nên giải quyết 2 chế độ thương binh và mất sức cái nào ra cái đó, chứ không đặt điều kiện thời gian hoặc chỉ được chọn 1 trong 2 chế độ để hưởng.

Trò chuyện thân mật với các gia đình chính sách, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, nhận xét trong thực hiện chính sách có công, nhiều việc TP đã làm rất tốt và cũng còn nhiều vấn đề người dân chưa được an tâm. Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM khẳng định, việc chăm lo cho các gia đình chính sách có công là việc làm thường xuyên của các ban, ngành và xã hội, chứ không phải cứ đến ngày 27-7 mới chăm lo. Năm 2017, Sở LĐTB-XH TPHCM tập trung giải quyết tồn đọng chính sách có công, đặc biệt chú ý về hồ sơ được lập trước ngày 1-7-2013 đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo chủ trương chung của Bộ LĐTB-XH. Cùng các diện hồ sơ trên, TPHCM còn chú ý đến người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến bị chất độc da cam.

Ông Lê Minh Tấn lưu ý, với các trường hợp không còn người làm chứng, chỉ có bản khai chung, thì hồ sơ sẽ được đưa trở về nơi trước đây người đó tham gia hoạt động cách mạng và trường hợp thoát ly thì đưa về địa phương nơi người đó sinh ra lớn lên trước khi tham gia cách mạng để giải quyết. Ông Lê Minh Tấn cho rằng, cách làm chuyển hồ sơ về địa phương cũ là rất hợp lý. Vì không đâu khác ngoài địa phương cũ, chính bà con nhân dân sẽ hiểu, những đồng chí lão thành cách mạng, những người tiền kháng chiến sẽ biết người làm hồ sơ đó có tham gia kháng chiến không. Từ đó linh hoạt giải quyết từng trường hợp.


ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục