Gay cấn chính trường Thái

Không khí chính trị tại Thái Lan bắt đầu “tăng nhiệt” khi các chính đảng ở xứ “chùa Vàng” bước vào chiến dịch vận động cho cuộc tổng tuyển cử ngày 3-7 sắp tới. Ứng cử viên đảng nào giành phần thắng trong đợt bầu cử lần này sẽ đương nhiên trở thành thủ tướng mới của Thái Lan.

Không khí chính trị tại Thái Lan bắt đầu “tăng nhiệt” khi các chính đảng ở xứ “chùa Vàng” bước vào chiến dịch vận động cho cuộc tổng tuyển cử ngày 3-7 sắp tới. Ứng cử viên đảng nào giành phần thắng trong đợt bầu cử lần này sẽ đương nhiên trở thành thủ tướng mới của Thái Lan.

Đến thời điểm hiện tại, các ứng cử viên nổi bật cho chiếc ghế thủ tướng nước này là bà Yingluck Shinawatra, thuộc đảng Puea Thai đối lập và đương kim Thủ tướng Thái Lan, ông Abhisit Vejjajiva, thuộc đảng Dân chủ.

Là một doanh nhân mà tên tuổi đang nổi lên trong những tuần đầu của chiến dịch tranh cử, bà Yingluck được xem là bản sao của anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Khi mở màn chiến dịch tranh cử tại quê nhà Chiang Mai, nữ doanh nhân này cam kết nếu đảng Puea Thai giành thắng lợi, đảng này sẽ thực hiện các chính sách dân túy như trước đây, giải quyết vấn đề nghèo đói trong 4 năm, thanh toán vấn nạn ma túy trong vòng 12 tháng, tăng ngân quỹ cấp cho mỗi bản làng ở Thái Lan lên 2 triệu bath (gần 66.000 USD)...

Mặc dù ông Thaksin bị buộc tội tham nhũng và phải ra nước ngoài sống lưu vong, nhưng chính sách dân túy của cựu Thủ tướng Thái Lan vẫn rất được lòng dân nghèo ở cả các vùng nông thôn lẫn đô thị tại Thái Lan. Kết quả cuộc khảo sát sau tuần vận động tranh cử đầu tiên do trung tâm thăm dò dư luận Dusit Poll của Thái Lan công bố ngày 22-5 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đảng Puea Thai là 41% và đảng Dân chủ là 37%.

Trong khi đó, kết quả khảo sát do Trung tâm thăm dò dư luận Abac Poll công bố cùng ngày về các chỉ số phẩm chất, trình độ, năng lực lãnh đạo… của các ứng cử viên thủ tướng cho thấy, chỉ số riêng lẻ trên tất cả các phương diện của bà Yingluck đều tăng và chỉ số tổng hợp tăng từ 10,9% lên 24,9%. Trong khi đó tất cả các chỉ số đánh giá riêng lẻ đối với ông Abhisit đều giảm và chỉ số tổng hợp cũng giảm từ 42,8% xuống còn 36%.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng bà Yingluck có một bất lợi khá lớn là kinh nghiệm chính trường còn “non”, khó gánh vác nổi trọng trách giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia. Đối thủ của bà, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva lại được đánh giá cao về kinh nghiệm chính trường, đặc biệt khả năng giải quyết khủng hoảng của ông trong chiến dịch giải tán các cuộc biểu tình hồi tháng 5-2010.

Đa phần các ý kiến đều cho rằng, niềm tin của cử tri đối đảng Dân chủ sẽ không thay đổi khi họ nhận ra những lợi thế về năng lực và kinh nghiệm điều hành của ông Abhisit. Theo Ủy ban phát triển xã hội và kinh tế Thái Lan, kinh tế Thái Lan tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá trong quý 1, khi GDP đạt mức 3% và kỳ vọng cả năm đạt 3,5%-4,5%. Hơn nữa, các cam kết của ông Abhisit đưa ra trong đợt tranh cử lần này cũng không kém phần thuyết phục như: bảo lãnh giá nông sản cho nông dân, tăng 25% mức lương tối thiểu, áp dụng chính sách miễn học phí 15 năm cho học sinh…

Giới phân tích đa phần đều nhận định cuộc bầu cử lần này là cuộc đua chính giữa 2 đảng Puea Thai và Dân chủ. Theo người phát ngôn đảng Bhumjaithai, ông Supachai Jaisamut, cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ là cuộc tranh đua khốc liệt và không đảng nào sẽ giành được chiến thắng áp đảo.

Kể từ năm 2006 đến nay, chính trường Thái Lan luôn ở trong tình trạng bất ổn. Từ 2006 đến 2008, Thái Lan đã thay đến 4 đời thủ tướng, trong khi bất ổn vẫn chưa được giải quyết với các cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên. Với quyền cử tri trong tay, người dân Thái Lan chắc chắn sẽ ưu tiên bầu chọn cho người có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng bấy lâu nay, giúp Thái Lan đưa nụ cười trở lại xứ “chùa Vàng”. 

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục