Gay go cuộc chiến nội bộ Nam Mỹ

Vòng 1/8 chứng kiến 2 màn so tài nội bộ giữa các đội bóng cùng khu vực Nam Mỹ, nhưng có sự đảo lộn đôi chút so với nhận định của giới chuyên môn, tức là Colombia chứ không phải Uruguay giành quyền đi tiếp vào tứ kết.

Vòng 1/8 chứng kiến 2 màn so tài nội bộ giữa các đội bóng cùng khu vực Nam Mỹ, nhưng có sự đảo lộn đôi chút so với nhận định của giới chuyên môn, tức là Colombia chứ không phải Uruguay giành quyền đi tiếp vào tứ kết.

Uruguay nên hài lòng với thất bại, vì nếu họ lỡ thắng Colombia mà đi tiếp thì chưa chắc đã hay ho, nhất là sau khi dư luận không còn dành thiện cảm cho họ kể từ cú “cẩu xực” của tiền đạo Luis Suarez trước trung vệ Chiellini (Italia). Nhưng xét trên thực tế trận đấu giữa Colombia và Uruguay, rõ ràng đội bóng áo vàng thắng là xứng đáng.

Tiền đạo Hulk (trái, Brazil) bứt qua hàng phòng thủ Chilê

Tiền đạo Hulk (trái, Brazil) bứt qua hàng phòng thủ Chilê

Colombia sở hữu một James Rodriguez chơi dũng mãnh, sẵn sàng “nã đạn” vào lưới của bất kỳ thủ môn nào chứ chẳng riêng gì Uruguay. Bàn thắng đầu tiên của chân sút đang khoác áo CLB Monaco ở giải Ligue 1 đã tước bỏ tham vọng lọt vào sâu hơn của nhà cựu VĐTG Uruguay. Có nghĩa, người Colombia không cần đợi đến pha dứt điểm nâng tỷ số lên 2-0 của chính Rodriguez mới biết chắc tấm vé tứ kết đã nằm trong tay mình.

Trận đấu này cũng chất chứa nhiều cảm xúc, đặc biệt từ phong độ chơi bóng ấn tượng của tiền đạo James Rodriguez. Colombia vì thế thắng thuyết phục hơn Uruguay - đội bóng đã lập tức sa sút và đánh mất bản sắc chơi bóng khi thiếu vắng “át chủ bài” Luis Suarez.

Những người Nam Mỹ quá hiểu nhau trên sân cỏ, nhưng ở giải đấu quan trọng như World Cup, họ không được phép mắc sai lầm, kể cả ngoài chuyên môn. Tiếc rằng Uruguay kỳ này lại liên tiếp vướng vào những điều tối kỵ đó. Họ là một tập thể đã luống tuổi, không còn sung mãn như kiểu chơi bóng đầy tinh thần đồng đội của Colombia.

Trong khi đó, xem trận Brazil đấu với Chilê, nhiều thời điểm tôi có cảm giác Chilê thắng đến nơi rồi. Brazil, nói như thừa nhận của HLV Felipe Scolari, vẫn là một tập thể còn non kinh nghiệm. Họ chơi bóng khá ngẫu hứng, nhờ Neymar, Gustavo và thậm chí là trung vệ David Luiz - chuyên gia phòng ngự nhưng thường xuyên xuất hiện bên phần sân của Chilê để làm bóng cho đồng đội. Hàng tấn công của Brazil nếu so ra thì không nổi trội hơn Chilê bao nhiêu. Đội chủ nhà thắng được là nhờ nhiều yếu tố, trong đó có cả sự ưu ái từ phía các trọng tài điều hành trận đấu.

Tất nhiên, trong cuộc chiến nội bộ ở Nam Mỹ, đội tuyển Vàng-Xanh luôn được đánh giá cao hơn bất kỳ đối thủ nào khác, kể cả Argentina. Nhưng ngay cả khi họ đã giành vé vào tứ kết, vẫn có điều gì đó băn khoăn khi các chuyên gia đưa ra nhận định về khả năng thành công của đội bóng này. Brazil lúc này không “già giơ”, không “sát thủ” và không bản lĩnh vời vợi được như thời điểm “Dream team” của bộ ba Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho... đăng quang ở châu Á năm 2002.

Ở tứ kết, Brazil cùng Colombia tiếp tục tạo nên màn so tài giữa các đội bóng Nam Mỹ. Với cách chơi của Colombia, tôi nghĩ họ thực sự là đối thủ khó nhằn, sẽ gây nên vô số những khó khăn cho Brazil - đội bóng được đánh giá trội hơn. Biết đâu đấy, trong cuộc chiến giữa những người Nam Mỹ thân quen, Colombia lại làm được điều mà trong quá khứ Uruguay từng thực hiện, nghĩa là đánh bại Brazil ngay trên sân nhà ở một trận đấu quan trọng của World Cup.

THANH LÂM (ghi)

Tin cùng chuyên mục