Việc Tập đoàn xe hơi General Motors (GM) có nhiều dấu hiệu phục hồi sau thời gian nhận gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ cho thấy bước đầu tập đoàn này đã đi đúng hướng và xứng đáng được xem là bài học cho ngành công nghiệp xe hơi Mỹ.
Từ chỗ phá sản...
Tập đoàn GM được thành lập ngày 16-9-1908 tại Flint, bang Michigan. Từ năm 1931 đến 2008, GM luôn dẫn đầu thế giới về lượng xe bán trên toàn cầu. Thế rồi, giá xăng dầu tăng cao và xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu đối với những chiếc xe cỡ lớn, tiêu tốn nhiều nhiên liệu như GM sụt giảm mạnh mẽ.
Từ năm 2008, GM liên tục trải qua giai đoạn thua lỗ nghiêm trọng và buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 6-2009. Trong một thời gian ngắn, giá cổ phiếu của GM “bốc hơi” 27 tỷ USD. Thời điểm khủng hoảng, hàng năm GM lỗ 88 tỷ USD. Một công ty mới được thành lập để thâu lại những cổ phiếu sinh lợi nhất của tập đoàn. Chính phủ liên bang rót 30,1 tỷ USD và kiểm soát 60% số vốn. Chính phủ Canada và bang Ontario, nơi GM có rất nhiều nhà máy, rót 9,5 tỷ USD và giữ 12% vốn. Chính phủ Mỹ đã can thiệp quyết liệt trong việc cơ cấu lại lực lượng lao động, hệ thống phân phối, hệ thống các nhà máy sản xuất, bán hầu hết các nhãn hiệu sản phẩm không hiệu quả (như Pontiac và Hummer), chỉ giữ lại những dòng sản phẩm có triển vọng.
Ngoài ra, việc bán xe sang các thị trường lớn như Brazil và Trung Quốc được mở rộng. Sự can dự của chính phủ cứu tập đoàn này nhiều đến mức có lúc người ta gọi đó là “Government Motors”. Lực lượng lao động từ chỗ 324.000 người (chỉ tính tại Mỹ) năm 2004 giảm còn 209.000 hiện tại. GM đóng cửa 11 nhà máy sản xuất và đặt 3 nhà máy trong tình trạng thất nghiệp về mặt lý thuyết. Tại thời điểm khủng hoảng, GM bán mỗi chiếc xe lỗ 4.000 USD (giờ đây lãi 2.000 USD). Để mang lại hình ảnh mới và sự quản lý tốt hơn cho tập đoàn, 20% kỹ thuật viên cùng 35% đội ngũ lãnh đạo bị loại.
... đến phục hồi mạnh mẽ
17 tháng sau khi GM gần như đi đến chỗ phá sản với giá chưa đầy 1 USD/cổ phiếu, ngày 18-11 vừa qua, cổ phiếu của GM lần đầu tiên được chào giá cho công chúng ở mức 33 USD/cổ phiếu và tổng giá trị đạt 23 tỷ USD. Trong ngày đầu tiên trở lại sàn giao dịch, cổ phiếu GM tăng 3,6%. Cùng lúc đó, Chính phủ Mỹ cũng chấm dứt chiếm giữ phần lớn cổ phần của GM, giảm từ mức 60% còn 33%. Giám đốc điều hành thứ tư của GM, ông Dan Akerson, đã long trọng rung chuông tại thị trường chứng khoán New York, đánh dấu sự hồi sinh của tập đoàn này.
Giờ đây, GM chỉ giữ lại 5% cổ phiếu cho nhân viên, những người về hưu và các đối tác. Trong sự hồi sinh của GM, đáng chú ý có liên doanh chính với GM tại Trung Quốc là SAIC. SAIC tuyên bố mua 1% cổ phần của GM với giá tổng cộng 500 triệu USD. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Obama cho biết sẽ sớm xem xét việc trả lại tiền thuế cho dân từ gói cứu trợ cho GM. Đến nay, GM cho biết có thể trả lại 9,5 tỷ USD. 9 tháng đầu năm 2010, GM lãi gần 5 tỷ USD, lần đầu tiên có lãi từ năm 2004. GM ước tính sẽ lãi 19 tỷ USD/năm khi thị trường xe hơi phục hồi.
Nắm bắt được xu thế bảo vệ môi trường, GM đã chế tạo nhiều xe hơi sử dụng nhiên liệu sạch, đẩy mạnh sản xuất các dòng xe sử dụng được nhiều loại năng lượng khác nhau (hybrid), có thể sử dụng ethanol 85 hay xăng. GM đặt mục tiêu cho ra đời 14 dòng xe hybrid vào cuối năm 2012 với chất lượng các loại xe ngày càng được cải thiện. Kết quả đã dẫn đầu doanh số bán xe trong năm 2010 ở cả Mỹ và Trung Quốc.
Sự hồi sinh của GM được khen ngợi và được coi là tấm gương điển hình. Một số nhãn hiệu mới như Chevrolet Equinox, Buick Regal, Opel Ampera được nhiều tạp chí ô tô khen ngợi. Đặc biệt mẫu Chevrolet Cruze giúp GM lần đầu tiên trong nhiều thập niên giành lại thị phần của xe hơi loại nhỏ. Mẫu xe Chevrolet Cruze 2011 hứa hẹn sẽ đem đến một luồng gió mới về khả năng tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả cho phân khúc xe nhỏ và dòng động cơ 4 xylanh 1.4L, có thể mở đầu cho một kỷ nguyên mới trong thị hiếu về xe của người tiêu dùng Mỹ.
Thị trường châu Âu đã ngập tràn những mẫu xe như thế, trong khi khách hàng Mỹ gần đây mới đánh giá cao ưu điểm của phân khúc xe nhỏ, nhất là khi những quy định về hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu trở nên gắt gao hơn và cũng nhờ vậy doanh số xe nhỏ cũng được kích thích ít nhiều. Ngoài ưu điểm về tính hiệu quả của xe, Chevrolet hy vọng mẫu Cruze sẽ còn “ghi điểm” nhiều hơn thế với độ bền cao. GM cũng đang chuẩn bị tung ra thị trường dòng xe sedan hybrid Buick LaCrosse vào năm 2012. Xe dùng động cơ 4 xylanh và một pin lithium-ion chỉ tiêu thụ 1 gallon (3,8 lít) xăng trên đường trường dài gần 63km. So với dùng xe LaCrosse hiện tại, dòng xe Buick LaCrosse tiết kiệm từ 25% - 30% nhiên liệu.
Đường dài phía trước
Giờ đây, GM bán 2/3 sản phẩm của mình ở ngoài nước Mỹ. Tại Trung Quốc, sản phẩm của GM chỉ đứng sau Volkswagen (VW). Tại Brazil, GM có doanh số bán cao thứ ba sau Fiat và VW. Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng sự hồi sinh của GM không chỉ là cột mốc lớn của công ty mà còn của cả ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Ông nói: “Hỗ trợ ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ đòi hỏi nhiều quyết định khó khăn và cả sự hy sinh nhưng điều đó đã giúp giữ lại nhiều việc làm, cứu ngành công nghiệp từng là trái tim của lĩnh vực sản xuất tại Mỹ, làm cho nó có thêm sức cạnh tranh trong tương lai”.
Mặc dù vậy, con đường phục hồi hoàn toàn của GM vẫn còn dài. Để GM có thể hoàn trả lại toàn bộ số tiền cứu trợ của chính phủ, giá cổ phần của tập đoàn này phải tăng lên mức 51 USD/cổ phần. Nhóm công tác của chính phủ được phái tới GM cũng sẽ tiếp tục duy trì tại đây trong vòng 2 năm nữa để đảm bảo GM phục hồi hoàn toàn. Cho tới nay, mọi quyết định của ban điều hành GM đều phải báo cáo cho nhóm công tác này trước khi đưa ra áp dụng.
- Tháng 10-2008: Cổ phiếu của GM rớt giá xuống mức thấp nhất kể từ năm 1950. |
THỤY VŨ tổng hợp