Hãng BBC đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 23-3 đã bất ngờ đề cử ứng viên gốc Á là ông Jim Yong Kim, Hiệu trưởng Đại học Darmouth, một trường danh tiếng ở bang New Hampshire, Mỹ, vào chức Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB). Với sự tham gia của ông Kim, một ứng viên người Mỹ gốc Á, cùng hai ứng viên khác đến từ nhóm các quốc gia mới nổi lần đầu tiên cuộc đua giành chức Chủ tịch WB đã trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Ẩn số Jim Yong Kim
Gọi ông là ẩn số bởi tên ông chưa từng lọt vào danh sách những ứng viên rất nổi tiếng khác như Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton, Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ John Kerry, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers, nhà kinh tế Jeffrey Sachs. Phát biểu tại buổi lễ đề cử tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama khẳng định đây là thời điểm để một chuyên gia có kinh nghiệm phát triển điều hành một tổ chức tài chính lớn chuyên cung cấp viện trợ phát triển và các khoản vay cho các nước nghèo và đang phát triển. Nhà kinh tế Jeffrey Sachs cũng tuyên bố ủng hộ 100% quyết định của Tổng thống Obama đưa ông Kim trở thành ứng viên Chủ tịch WB.
Lý lịch của ông Kim cũng hết sức đặc biệt, từ khi thành lập WB đến nay, người đứng đầu tổ chức này luôn là các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, doanh nhân hoặc chính trị gia, còn ông Kim lại là một chuyên gia y tế. Ông sinh năm 1959 tại Seoul, Hàn Quốc. Lúc 5 tuổi, gia đình ông chuyển đến Mỹ. Từ lúc là sinh viên tại Trường Đại học Havard năm 1987, ông đã đồng sáng lập tổ chức Partners in Health cung cấp những chương trình sức khỏe dành cho người nghèo. Ông là một bác sĩ trước khi trở thành chuyên gia trong lĩnh vực phát triển, từng giữ chức Giám đốc Chương trình HIV/AIDS của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giáo sư Trường Y khoa Đại học Havard. Ông Kim đã dành hơn 20 năm công tác để cải thiện điều kiện tại các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới. Ông giữ chức Hiệu trưởng Đại học Darmouth từ tháng 7-2009. Ông đang sống hạnh phúc với người vợ là bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Boston và hai cậu con trai.
Nếu được chấp thuận trở thành người đứng đầu WB, ông Kim sẽ là người gốc Á đầu tiên nắm giữ vị trí này kể từ khi Ngân hàng Thế giới thành lập năm 1944. Với sự đề cử của Mỹ, quốc gia chiếm 16% tỷ lệ bỏ phiếu trong vòng bầu cử và sự ủng hộ của các nước EU, chiếm tỷ lệ hơn 29%, khả năng giành chiến thắng của ông Kim hoàn toàn có thể xảy ra.
Những đối thủ khác
Năm ngoái, scandal tình dục bê bối của cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Strauss-Kahn dẫn đến một cuộc bầu chọn người thay thế đầy tranh cãi. Vì thế, sự ra đi lần này của Chủ tịch WB Robert Zoellick đã tiếp tục tạo nên những đòn bẩy cải cách mới trong các thể chế tài chính lớn nhất thế giới này. Kể từ khi IMF và WB được thành lập, việc bầu chọn người lãnh đạo ở hai tổ chức này đã trở thành luật bất thành văn, người châu Âu nắm giữ IMF, còn WB thuộc người Mỹ. Nhưng với sự đóng góp ngày càng nhiều và vị thế ngày càng được khẳng định trên chính trường quốc tế, các quốc gia mới nổi đang cố gắng đảo ngược tình thế này và tìm mọi cách để các cuộc bầu chọn vị trí cao nhất tại IMF và WB luôn công bằng. Do vậy, lần này, Mỹ đành phải đánh tiếng bằng tuyên bố sẵn sàng mở cánh cửa chạy đua cho các ứng viên không mang quốc tịch Mỹ và là công dân của một trong những quốc gia thuộc G20.
Trong vòng bầu cử chức Chủ tịch WB, ông Jim Yong Kim sẽ đối mặt với ứng viên đến từ các quốc gia đang phát triển khác là Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala, một cựu Giám đốc Điều hành của WB. Bà đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các quốc gia Angola, Nigeria và Nam Phi. Ứng viên thứ 3, cựu Bộ trưởng Tài chính Colombia Jose Antonio Ocampo được Brazil, Chủ tịch nhóm các nước Mỹ Latinh đề cử. Sự xuất hiện của hai ứng viên này đang khiến cuộc đua vào vị trí cao nhất của WB trở nên nóng bỏng.
Theo sự đánh giá của giới phân tích, bà Ngozi Okonjo-Iweala chính là đối thủ nặng ký với ông Kim. Ông Domenico Lombardi, cựu thành viên Hội đồng quản trị WB, hiện đang làm việc tại Viện Brookings, Washington nhận định: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có một cuộc bầu cử thật sự gay cấn”.
Tuy đã mở rộng cửa trong cuộc chạy đua trong WB nhưng điều chắc chắn, Mỹ sẽ không buông WB một cách dễ dàng như vậy, nhất là khi Tổng thống Barack Obama đang phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích từ các nghị sĩ của đảng đối lập về sự thiếu quyết đoán trong những vấn đề lớn liên quan đến lợi ích của Mỹ. Ứng viên do Mỹ đề cử được đắc cử cũng thể hiện sức mạnh Mỹ tại một trong những thể chế tài chính lớn nhất thế giới. Vì vậy việc chọn một ứng viên Mỹ gốc Á, từng có nhiều hoạt động hỗ trợ các nước đang phát triển thật sự là con ách chủ bài của ông Obama vừa được lòng châu Âu, vừa được lòng các nước đang phát triển.
Các đề cử sẽ được trình hội đồng quản trị gồm 25 thành viên của WB và ra quyết định chọn Chủ tịch WB vào tháng 4.
THANH HẰNG (tổng hợp)