Ghép tạng - Cầu nhiều, cung ít

Kỹ thuật ghép tạng ngang tầm quốc tế
Ghép tạng - Cầu nhiều, cung ít

Ca ghép đa tạng lần đầu tiên cho một quân nhân 43 tuổi ngụ Sơn La vừa thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103, đang mở ra nhiều hy vọng cho bệnh nhân suy đa tạng. Theo Bộ Y tế, hiện nhu cầu ghép tạng như gan, thận, tim đang khá bức thiết, trong khi nguồn cung rất hạn chế. Các ngân hàng tạng từ nguồn cho, hiến tặng còn rất hạn chế và chưa phổ biến. Việc xây dựng đề án kêu gọi nguồn cho, hiến tạng từ người chết não cũng chưa thu hút.

Một ca ghép thận được thực hiện tại BV Nhân dân 115 (TPHCM).

Một ca ghép thận được thực hiện tại BV Nhân dân 115 (TPHCM).

Kỹ thuật ghép tạng ngang tầm quốc tế

Vừa kỷ niệm 10 năm thành tựu ghép tạng, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM không khỏi tự hào vì đã làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Trong 10 năm qua, bệnh viện đã thực hiện ghép tạng 63 trường hợp, và số bệnh nhân được ghép tạng tăng dần qua các năm. Bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Thận - Nội Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết đã có nhiều trường hợp tưởng như không thể cứu chữa được, nhưng với kỹ thuật ghép tạng của bệnh viện đã níu giữ được mạng sống. “Không nhớ hết những ca ghép thận giúp người bệnh thêm cơ hội sống nhưng cũng có những câu chuyện khó quên”, BS Dung tâm sự. Tuy rằng vẫn có những rủi ro nhất định nhưng tỷ lệ thải ghép, biến chứng vẫn ở mức thấp và nằm trong tỷ lệ cho phép của y học thế giới. Dù vậy vẫn có những trường hợp chưa hẳn y học các nước làm được nhưng Việt Nam làm được. Điển hình như trường hợp bệnh nhân H.T.Lam Thanh (40 tuổi, ngụ TPHCM), tưởng chừng như bế tắc và đặt dấu chấm hết khi suy thận giai đoạn cuối, nhưng nhờ được ghép thận từ nguồn người thân nên “như trở lại cuộc đời từ cõi chết”… Bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết hiện số bệnh nhân ghép tạng đang được bệnh viện theo dõi là 112 người, trong đó có 106 ca ghép thận, 4 ca ghép gan và 2 ca ghép thận - tụy. “Kỹ thuật ghép của bệnh viện đã có nhiều tiến bộ, từ chỗ có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, đến nay, bệnh viện có thể tự thực hiện. Số ngày theo dõi hậu phẫu được rút ngắn lại, trước đây khoảng 1 tháng, nay còn dưới 2 tuần. Tỷ lệ tử vong giảm và hầu như không có bệnh lý nhiễm trùng hoặc nội khoa nặng sau ghép đe dọa tính mạng bệnh nhân”, BS Báu chia sẻ.

Vừa qua, tập thể y bác sĩ gần 150 người của Học viện Quân y và Bệnh viện Quân y 103 cũng tiến hành ca ghép đa tạng (thận - tụy) trên cùng một bệnh nhân. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công ca ghép đa tạng. Bệnh nhân là thượng úy P.T.H. (43 tuổi), công tác tại Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La. Bệnh nhân H. được ghép tụy - thận từ người cho đã chết não. Bệnh viện đã vận động gia đình của một bệnh nhân chết não do tai nạn giao thông tự nguyện hiến tạng. Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cũng ghép gan thành công một trường hợp người cho còn sống, mở ra cơ hội cho những bệnh nhân xơ gan, ung thư gan…

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kỹ thuật ghép tạng đã được các y bác sĩ trong nước quan tâm từ rất sớm, nhưng đến năm 1992 mới thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Quân y 103. Từ thành công ban đầu đó, đến nay đã có 102 cơ sở y tế trên cả nước đủ điều kiện ghép tạng. Từ việc chỉ thực hiện ghép thận, gan trên người cho sống, nay Việt Nam đã thực hiện thành công các ca ghép tim.

Vận động hiến tạng

Theo các chuyên gia y tế, người bệnh khi bị hư một bộ phận như gan, thận… thì việc ghép tạng là phương pháp thay thế hiệu quả nhất để duy trì sự sống. Thế nhưng hiện nay, nguồn tạng cho từ người sống vô cùng khan hiếm, vì vậy còn nhiều trường hợp khắc khoải chờ nguồn tạng để ghép. Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Cường, nguyên Trưởng khoa Ngoại gan - mật - tụy BV Chợ Rẫy, ghép tạng là một trong những kỹ thuật khó nhất trong việc ghép các bộ phận cơ thể. Hiện nay, nhu cầu cần ghép tạng rất lớn, tuy nhiên việc tìm được nguồn tạng phù hợp rất khó khăn. Ngoài việc phải đảm bảo các chỉ số phù hợp, người cho tạng cần phải vượt qua được rào cản tâm lý. Vấn đề cho hiến tạng ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, ngay cả đối với các trường hợp chết não. Mặt khác, không phải bệnh nhân nào cũng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu người hiến (người sống phải là thân nhân của bệnh nhân hoặc người đã bị chết não). Theo ghi nhận của Khoa Ngoại gan - mật - tụy Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm nơi đây có hơn 1.000 trường hợp cần ghép gan, thận… Theo thống kê, đến nay Việt Nam có gần 900 người được ghép thận, 36 người được ghép gan và 9 người được ghép tim. Tuy nhiên do nguồn tạng khan hiếm nên số lượng người được ghép tạng thời gian qua còn hết sức khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, giải quyết vấn đề nguồn tạng đang rất bức thiết để cứu sống hàng ngàn người bệnh hiện nay.

Theo Th.S-BS Trương Hoàng Minh, Trưởng khoa Ngoại niệu - ghép thận Bệnh viện Nhân dân 115, nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn tạng hiện nay cần có chính sách, chế độ nhằm khuyến khích người hiến tạng và gia đình họ, cụ thể là đề xuất triển khai kỹ thuật lấy từ người cho chết não, tim để ghép. “Vấn đề hiện nay là kêu gọi sự đồng thuận của toàn xã hội, cho tạng những người chết não để cứu người còn sống”, BS Minh trăn trở. PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội) cũng cho biết nơi đây đã thực hiện được các kỹ thuật ghép tạng hiện đại trên thế giới. Chi phí các ca ghép ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với nước ngoài. Mỗi năm, chỉ riêng ở BV Việt Đức có khoảng 1.000 trường hợp bệnh nhân chết não nhưng số người được gia đình đồng ý cho tạng chỉ khoảng 15 trường hợp. GS-TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Trưởng Bộ môn Tiết niệu ĐH Y Dược TPHCM, cho biết ngành ghép tạng nước ta còn nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có vấn đề về trình độ nhân lực ngành ghép tạng và tổ chức trung tâm thu thập, điều phối nguồn tạng hiến. GS Sinh cũng đề xuất một số giải pháp mà các nước tiên tiến đang thực hiện, trong đó có kỹ thuật lấy tạng từ người cho chết não, tim để ghép nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm tạng hiện nay.

Theo các chuyên gia y tế, từ một người chết não có thể ghép cho 2 người suy thận mạn giai đoạn cuối, một bệnh nhân bị ung thư gan trên nền xơ gan và một người bị suy tim giai đoạn cuối do viêm cơ tim… Như vậy, tạng của một người chết não có thể cứu được 4 người.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục