Gần 2 tuần qua, thị trường chứng khoán tái tăng giá. Trong đó, có cổ phiếu của 2 ngân hàng đã niêm yết trên thị trường chính thức là Á Châu ACB là Sài Gòn Thương Tín STB cũng dần ấm lên, tăng thêm từ 10.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu so với giữa tháng trước.
Cụ thể, cổ phiếu của STB nhích thêm hơn 10.000 đồng, đạt trên 70.000 đồng/cổ phiếu vào những ngày đầu tháng 10. Cổ phiếu ACB có sức tăng mạnh hơn, đạt gần 170.000 đồng/cổ phiếu, tăng trên 30.000 đồng so với tháng trước.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Anh Tuấn – Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACBS, một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng khoán gia tăng trở lại bắt nguồn từ sự phục hồi giá của hai loại cổ phiếu trên. Tuy có chững lại trong những phiên giao dịch cuối tuần qua, nhưng khối lượng chuyển nhượng của hai loại cổ phiếu này luôn đạt mức kỷ lục.
Thế nhưng, giá cổ phiếu của các ngân hàng đang giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC) lại diễn biến ngược lại với xu hướng cổ phiếu tăng giá trên thị trường chính thức. Tính thanh khoản của chứng khoán giao dịch trên OTC vẫn chưa được nâng cao và cổ phiếu ngân hàng cũng không nằm ngoài quỹ đạo kiềm hãm.
Giá cổ phiếu của một số ngân hàng như ABBANK, OCB, Southern Bank, VietA Bank, DongA Bank, VIB Bank… chỉ nhỉnh lên chút đỉnh và chưa có dấu hiệu của sự hồi phục mạnh. Vào những ngày này giá cổ phiếu ABBANK giao dịch ở mức trên dưới 390.000 – 400.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 100.000 đồng); giá cổ phiếu OCB đạt mức xấp xỉ 4,8 triệu đồng/cổ phiếu (mệnh giá 1 triệu đồng); Southern Bank chỉ nhích lên trên 40.000 đồng/cổ phiếu. Còn cổ phiếu DongA Bank vẫn ở mức 6,2 đến 6,5 triệu đồng/cổ phiếu (mệnh giá 1 triệu đồng)…
Duy chỉ có một số ngân hàng như Eximbank, VP Bank, MB… cổ phiếu đang ấm dần trở lại. Eximbank tăng từ 7 triệu đồng lên 7,5 triệu đồng/cổ phiếu (mệnh giá 1 triệu đồng) chỉ trong vòng một tuần. Giá cổ phiếu VP Bank có phần phục hồi mạnh hơn đạt trên 50.000 đồng, tăng gần 15.000 đồng so với tháng trước.
Tuy nhiên, so với nhịp độ gia tăng giá các loại cổ phiếu niêm yết trên sàn, trong đó có STB và ACB, giá cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên thị trường OTC vẫn chưa thể nói đã phục hồi. Các nhà phân tích cho rằng sở dĩ giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC chưa thể phục hồi, là vì tính thanh khoản vẫn trong trạng thái thấp.
Nhà đầu tư ngại bỏ thêm tiền đầu tư vào các cổ phiếu trên sàn OTC, vì sợ rủi ro cao. Giá cổ phiếu trên sàn chính thức tăng mạnh, trong đó có cổ phiếu của 2 ngân hàng Sacombank và ACB một phần do hút thêm lượng vốn của nhà đầu tư từ sàn OTC đỗ qua. Có thể lượng vốn này đang được dự trữ để chờ cơ hội hoặc họ đã bán bớt cổ phiếu trên sàn OTC để đầu tư cổ phiếu niêm yết có tính thanh khoản cao hơn.
Còn theo đánh giá của các chuyên gia Quỹ đầu tư VinaCapital, một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ngân hàng khó trở về “mùa vàng” như thời điểm cuối năm 2006 và đầu 2007 là đã tăng quá cao. Đến thời điểm này, nhà đầu tư bắt đầu có cái nhìn kỹ hơn, đồng thời biết lựa chọn đâu là ngân hàng tốt để bỏ vốn.
Chính vì vậy, giá cổ phiếu của một số ngân hàng quy mô nhỏ sẽ khó tái tăng cao trong thời gian tới, cho dù thị trường tài chính được dự báo đầy tiềm năng và triển vọng phát triển để phục vụ hơn 84 triệu dân Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán nước ngoài, giá cổ phiếu ngân hàng, trong đó đáng chú ý là cổ phiếu của khối ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ đang phản ánh đúng giá trị thực của nó. Không như trước đây, do chạy theo phong trào và có thể nói là “mù quáng”, nhiều nhà đầu tư đã không ngần ngại bỏ tiền mua cổ phiếu của một số ngân hàng giá trị thấp, với giá gấp hàng chục lần mệnh giá.
Các nhà nhận định thị trường cho rằng, giai đoạn hiện nay được xem là thời điểm mua tốt nhất đối với cổ phiếu ngân hàng. Vì thông thường đến hết quý 3 và đầu quý 4 nhà đầu tư có thể khái quát được bức tranh của ngành ngân hàng. Điều này được thể hiện qua kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong 3 quý đầu năm.
Từ đó, đưa ra kế hoạch chia tách lợi nhuận và mức cổ tức trong năm. Đây chính là những yếu tố có sức hút đối với nhà đầu tư. Thực tế, trong 9 tháng đầu năm kết quả hoạt động của khối ngân hàng cổ phần vẫn trên đà tăng trưởng mạnh, vượt mức kỷ lục từ trước đến nay.
Cụ thể, Tập đoàn ACB đạt gần 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, riêng ngân hàng ACB đạt gần 1.300 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch và mục tiêu thu về 1.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2007 đang rất gần. Sacombank cũng là một trong những ngân hàng có sự bức phá lớn, với lợi nhuận thu về 9 tháng đầu năm trên 1.200 tỷ đồng.
Kế đến Eximbank là ngân hàng cổ phần thứ 3 có mức lợi nhuận cao, đạt gần 500 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa, bất cứ bỏ vốn mua cổ phiếu của ngân hàng nào nhà đầu tư cũng thu về được lợi nhuận, mà nên lựa chọn những ngân hàng có tiềm năng phát triển tốt mới có thể thành công.
THU AN