Giá cước vận tải Việt Nam đắt nhất Đông Nam Á

Đó là khẳng định của các chuyên gia phân tích giá khi tham dự tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức ngày 8-9 tại TPHCM. Điều này đã gây thiệt hại kép cho người tiêu dùng do bị “móc túi” trực tiếp từ giá cước vận tải. Đồng thời, phải chi trả thêm do giá cước vận tải được cấu thành trong giá thành sản phẩm khác.
Giá cước vận tải Việt Nam đắt nhất Đông Nam Á

Đó là khẳng định của các chuyên gia phân tích giá khi tham dự tọa đàm “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức ngày 8-9 tại TPHCM. Điều này đã gây thiệt hại kép cho người tiêu dùng do bị “móc túi” trực tiếp từ giá cước vận tải. Đồng thời, phải chi trả thêm do giá cước vận tải được cấu thành trong giá thành sản phẩm khác.

Người tiêu dùng thiệt hại kép

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bức xúc khi thống kê lại mức giảm chi phí xăng dầu từ cuối năm 2014 cho đến nay. Cụ thể, tính từ 28-7-2014 đến tháng 1-2015, đã có 14 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng dầu đã giảm 39% nhưng hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn không thực hiện điều chỉnh giá tương ứng. Số ít doanh nghiệp vận tải trước sức ép của dư luận đã miễn cưỡng giảm giá cước phổ biến từ 3% - 10% trong khi đúng ra mức giảm này sẽ phải cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 tùy vào loại phương tiện vận tải.

Hành khách đi xe taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Chưa hết, ngày 3-9-2015, Bộ Công thương tiếp tục điều chỉnh giảm giá xăng RON 92 1.198 đồng/lít, giá bán xuống mức 17.338 đồng/lít; xăng E5 giảm giá xuống còn 16.843 đồng/lít; dầu diesel 0.05S xuống còn 13.310 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S xuống còn 9.351 đồng/kg. Như vậy, so với thời điểm trước ngày 4-7-2015 giá xăng đã giảm 16,3%, dầu diesel giảm 17.23%. Theo đó, giá cước vận tải phải giảm ít nhất từ 4,1% - 7,75% tùy vào đơn vị chạy xe bằng xăng hay dầu và tỷ lệ sử dụng xăng dầu trên mỗi phương tiện vận tải. Đáng tiếc là cho đến nay giá cước vận tải vẫn hầu như không nhúc nhích. Lý giải cho sự chậm trễ giảm giá cước, các hãng vận tải thường đưa ra nhiều nguyên nhân như khi giá xăng dầu tăng, cước taxi không tăng, nên khi giá xăng dầu giảm, thì cước taxi chưa thể giảm; việc cài lại đồng hồ phức tạp, tốn kém; bổ sung dịch vụ để bù vào; cần chờ đúng quy trình, thời gian để tính toán… Như vậy, căn cứ theo mức giá cước vận tải hiện tại thì Việt Nam đang được xếp vào nước có mức cước vận tải cao nhất khu vực Đông Nam Á. Với giá cước taxi tại TPHCM và Hà Nội, trung bình dao động từ 11.000 đồng đến 13.900 đồng/km. Trong khi đó, giá cước taxi trung bình ở Bangkok, Thái Lan hiện chỉ có 3.800 đồng/km (6 bath); Manila, Philippines là 5.700 đồng/km (11,93 peso); Jakarta, Indonesia 6.300 đồng/km (4.000 rupiah) và thậm chí ở Singapore - một trong những nước có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới cũng chỉ có 8.700đồng/km (0,55S$)…

Bắt tay làm giá?

Việc chi phí đầu vào giảm nhưng giá cước không giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng; đã vậy, người tiêu dùng còn bị thiệt kép khi giá cả những mặt hàng liên quan khác cũng vin vào đó để “neo giá”. Thế nhưng, bất bình trước cách giải thích nguyên nhân không chịu giảm giá cước vận tải, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là cách giải thích ngụy biện, thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng. Bởi trên thực tế rất ít trường hợp xăng dầu tăng giá nhưng giá cước không tăng và câu hỏi ngược lại, tại sao khi giá cước tăng, việc cài đặt đồng hồ lại kịp thời mà không ngại phức tạp, tốn kém? Để bảo vệ người tiêu dùng trước hành động sai trái của các đơn vị cước vận tải, liên tục từ cuối tháng 10-2014 đến nay, hội đã lên tiếng về vấn đề này và kiến nghị cơ quan chức năng, hiệp hội vận tải địa phương. Hội cũng đã kiến nghị Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính về việc neo giá bất hợp lý đơn vị kinh doanh vận tải. Cục Quản lý giá cũng thống nhất về việc giá xăng dầu giảm sâu nhưng giá cước vận tải, đặc biệt giá cả vận tải hành khách có giảm nhưng vẫn không tương ứng. Cục cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đánh giá cơ cấu giá nhiên liệu đến hoạt động giao thông vận tải. Bộ Tài chính đã gửi công văn tới Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố để yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện việc kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý cước vận tải. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu còn chờ thời gian trả lời.

Câu hỏi đặt ra là liệu vấn đề lợi ích cục bộ có phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cập cứ lặp đi, lặp lại trong các năm 2011, 2012, 2014 và 2015. Khi giá xăng dầu giảm nhiều lần, với tỷ lệ lên đến 16% - 20%, thậm chí so với thời điểm trước khi điều chỉnh giá ngày 28-7-2014, sau 14 lần giảm giá, đến 21-1-2015 giá xăng đã giảm gần 39% nhưng giá cước vận tải vẫn không giảm hoặc giảm nhỏ giọt cho đến khi dư luận dồn dập lên tiếng và cơ quan chức năng vào cuộc. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh thêm, đã đến lúc cần phải xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan khi để tình trạng “móc túi” người tiêu dùng của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải kéo dài. Trên thực tế, những thanh công cụ pháp lý cần thiết để xử lý vấn đề này đã có. Việc bất hợp lý trong cơ cấu giá thành cước vận tải đã rõ. Nếu như ngành tài chính, ngành thuế quyết tâm bắt tay để làm, thì hoàn toàn có thể xử lý được vấn đề này.

Thành lập 3 đoàn kiểm tra giá cước vận tải

Ngày 8-9, Bộ GTVT cho biết đã quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải tại ba miền Bắc - Trung - Nam. Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra sẽ rà soát công tác quản lý giá cước từ công tác chỉ đạo và thanh tra, kiểm tra cho đến kết quả xử lý vi phạm về giá cước vận tải 8 tháng của năm 2015. Đặc biệt, sẽ kiểm tra tình hình kê khai, niêm yết giá cước của các doanh nghiệp vận tải khi giá nhiên liệu giảm từ tháng 1-2015 đến nay, yêu cầu các sở thống kê rõ danh sách doanh nghiệp đã kê khai giảm, tỷ lệ giảm giá cước, danh sách những doanh nghiệp chưa giảm giá cước, nêu rõ những vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý giá cước. Về phía các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp vận tải hàng không, Bộ trưởng yêu cầu chủ động phối hợp với đoàn kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện giá cước vận tải, kê khai các yếu tố cấu thành giá cước vận tải của doanh nghiệp và việc thực hiện giá cước khi giá nhiên liệu giảm, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị liên quan đến giá vé, phát hành vé...

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, các sở GTVT phải chủ động mời đại diện một số doanh nghiệp vận tải, bến xe, hiệp hội vận tải ô tô và các đơn vị có liên quan tham dự buổi làm việc với đoàn kiếm tra tại sở. Đồng thời, chủ động mời sở tài chính, cục thuế địa phương cùng tham gia kiểm tra tại các doanh nghiệp vận tải, bến xe trên địa bàn. Việc kiểm tra phải hoàn thành trước 20-10-2015.

BÍCH QUYÊN

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục