Quận Thủ Đức (TPHCM) vừa có quyết định xử phạt ông Lê Tấn Tài với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng và buộc phải tháo dỡ 37 công trình xây trái phép ở phường Hiệp Bình Chánh. Phá dỡ hàng chục căn nhà, trong đó nhiều căn đã có người ở thật không đơn giản, nhưng không thể không làm nhằm thiết lập lại kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, cả hệ thống chính trị của TPHCM đang tập trung vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng theo tinh thần Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.
Một sự kiện khác cũng xảy ra trên địa bàn TPHCM, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của nó. Đó là vụ án làm chết 5 người, làm bị thương 3 người do Tuấn “khỉ” gây ra. Trước đó, vào mùng 5 Tết Nguyên đán, một canh bạc trong khu vườn ở xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi, TPHCM) kết thúc bằng loạt đạn làm 4 người chết, 1 người bị thương. Ba người vô can khác đang đi trên đường cũng bị bắn (1 chết, 2 bị thương), vào rạng sáng hôm sau. Kẻ thủ ác là Lê Quốc Tuấn (Tuấn “khỉ”) bị tiêu diệt sau một cuộc bố ráp quy mô, gồm cả cảnh khuyển và xe bọc thép, kéo dài ngót nửa tháng.
Hai vụ việc trên thuộc hai lĩnh vực khác nhau, nhưng chúng xảy ra là vì có vấn đề trong công tác quản lý địa bàn. Trong vụ 37 căn nhà không phép, ban đầu khi 1 - 2 căn nhà đang xây thì chính quyền địa phương đã phát hiện. Thế mà, dù phát hiện nhưng cán bộ quản lý địa bàn cùng chính quyền địa phương vẫn không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, để hàng chục căn nhà không phép hoàn thiện trên đất nông nghiệp, không phù hợp với quy hoạch.
Đành rằng, việc xử lý các công trình không phép sẽ mất nhiều thời gian, do phải tuân theo quy trình chặt chẽ, lại vấp phải sự thiếu hợp tác, thậm chí đối phó từ người vi phạm. Song, chính quyền sớm biết có vi phạm mà không ngăn chặn được cho thấy năng lực của cán bộ, hiệu quả của bộ máy quản lý không “bắt nhịp” được diễn biến cuộc sống.
Với vụ Tuấn “khỉ”, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TPHCM yêu cầu lãnh đạo Công an huyện Củ Chi kiểm điểm công tác quản lý địa bàn, do để xảy ra một số ổ cờ bạc trên địa bàn. Trách nhiệm của đơn vị, cá nhân cụ thể nào và mức độ ra sao đang được Công an huyện Củ Chi làm rõ. Nhưng chắc rằng, nếu chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực quản lý chặt địa bàn và dẹp ngay sới bạc khi manh nha hình thành thì vụ án này có thể không xảy ra.
Trên thực tế, không ít người cố tình thực hiện hành vi vi phạm (hành chính hoặc hình sự) đến cùng, bằng cách này cách nọ. Vì thế, nắm chắc địa bàn trong công tác quản lý là yêu cầu quan trọng đầu tiên. Bởi khi nắm chắc địa bàn ngay từ cấp cơ sở mới có thể có những giải pháp quản lý hiệu quả, phù hợp, thậm chí có thể bù khuyết những lỗ hổng của quy định pháp luật hiện hành. Từ đó mới có thể có quyết định đúng đắn và đủ quyết liệt để chặn đứng vi phạm khi còn manh nha. Trật tự, kỷ cương cũng vì thế mà từng bước được thiết lập và giữ vững.
Ngược lại, nếu cán bộ có trách nhiệm buông lỏng quản lý hoặc thờ ơ, thiếu trách nhiệm sẽ gây ra những tổn thất không thể khắc phục được. Đó không chỉ là tổn thất về tài sản, uy tín, hình ảnh của chính quyền mà nhiều trường hợp còn phải trả giá về sức khỏe, tính mạng. Vụ án Tuấn “khỉ” là một điển hình.
Kinh nghiệm sâu sắc trong quản lý địa bàn sẽ còn được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần nhưng sẽ không đầy đủ, nếu không đề cập đến công tác quản lý cán bộ. Trong vụ án do Tuấn “khỉ” gây ra, Bộ Công an còn yêu cầu Công an quận 11 (TPHCM) kiểm điểm về công tác quản lý cán bộ, chiến sĩ và quản lý đơn vị.
Trước khi gây án, Tuấn là cán bộ công an nhưng vì không tu dưỡng, không rèn luyện kỷ luật, cờ bạc dẫn đến vụ việc đã nêu. Tuấn làm việc trong môi trường hầu như được giáo dục hàng ngày, phải tuân theo các quy tắc chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh nhưng đến khi Tuấn nổ súng giết người gây rúng động dư luận, không ít người mới ớ ra: “Tuấn nghiện cờ bạc”! Đó là kết cục từ một quá trình trượt dài của Tuấn. Vậy thì đồng nghiệp, thủ trưởng và cơ quan Tuấn không biết hay có biết nhưng thờ ơ hoặc xuê xoa cho qua, để mối nguy lớn dần rồi Tuấn gây ra hậu quả không thể khắc phục được?
Hai vụ việc còn đang rất thời sự nói trên sẽ là những bài học xương máu và cần được mổ xẻ nghiêm túc trong công tác quản lý địa bàn, giáo dục cán bộ.