Giá đắt?

Những đợt không kích dồn dập của NATO kéo dài trong 2 tháng qua tại Libya đang làm dư luận đặt câu hỏi về cái gọi là “cuộc chiến bảo vệ dân thường” theo tinh thần của Nghị quyết 1973 của Liên hiệp quốc.

Nghị quyết này cho phép sử dụng các hoạt động quân sự tại Libya để bảo vệ dân thường trước sự tấn công của quân đội chính phủ. Thế nhưng những gì đang diễn ra tại Libya lại cho thấy điều ngược lại. Kể từ ngày 31-3 cho tới nay, NATO đã thực hiện 2.400 cuộc không kích trong đó có nhiều đợt pháo nã xuống bệnh viện, trường học làm nhiều thường dân bị chết và bị thương. Một mặt phủ nhận những vụ tấn công nhằm vào dân thường, mặt khác NATO lại nã pháo vào những địa điểm được cho là nơi ẩn trú của Tổng thống Gaddafi. Đỉnh điểm là vụ tấn công nhằm vào dinh thự của nhà lãnh đạo Libya tối 30-4, làm người con trai út cùng 3 cháu trai của ông Gaddafi thiệt mạng. Động thái này cho thấy, mục đích chính của NATO dường như chỉ nhằm tiêu diệt ông Gaddafi. Thấy rõ mục đích này, Nga và nhiều quốc gia lên án các cuộc không kích do NATO cầm đầu tại Libya. Thủ tướng Putin tuyên bố: “Đã có thảo luận về vùng cấm bay nhưng vùng cấm bay ở đâu nếu hàng đêm họ ném bom vào các dinh thự nơi ông Gaddafi sống? Các hành động quân sự của phương Tây không còn đi theo mục tiêu “bảo vệ dân thường” mà chuyển thành “thay đổi chế độ” tại Libya”.

Mục tiêu bây giờ của NATO đã dần lộ rõ không còn là bảo vệ thường dân, mà là giúp phe nổi dậy bằng mọi cách và với mọi giá để lật đổ chính thể của ông Gaddafi ở Libya. Trước hết là Anh, sau đó đến Pháp và mới đây nhất là Italia đã đưa cố vấn quân sự đến giúp lực lượng nổi dậy ở Libya, chứ không còn đơn thuần chỉ có công nhận phe nổi dậy này là đại diện duy nhất cho Libya và đối tác đối thoại, hợp tác, giúp đỡ duy nhất ở Libya. Tuy nhiên, trước sự chống trả kiên quyết của quân đội chính phủ, sự ủng hộ của người dân đối với ông Gaddafi, sự yếu kém của phe nổi dậy trong việc kiểm soát và đánh chiếm nhiều địa điểm do quân đội nắm giữ đang khiến NATO lâm vào thế bí.

Nếu tình trạng này kéo dài, phương Tây chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi bởi các quốc gia này đang phải mang trên mình gánh nặng tài chính trong cuộc khủng hoảng nợ công. Chi phí chiến tranh khổng lồ lên tới hàng trăm triệu USD đang dấy lên mối lo ngại trong dư luận trong và ngoài nước. Ở Anh, nhiều nghị sĩ đã công khai chỉ trích hành động quân sự của Thủ tướng David Cameroon. Không chỉ vậy, tại Pháp, quốc gia chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, vấn đề sa lầy tại Libya rất có thể trở thành bước cản của ông Sarkozy, người đang muốn tận dụng cơ hội chiến thắng tại Libya để đánh bóng tên tuổi mình. Nhưng “đâm lao phải theo lao”, giờ đây để phá vỡ thế bí này, phương Tây không còn cách nào khác là đẩy mạnh các chiến dịch quân sự thông qua việc cử bộ binh sang Libya. Bên cạnh đó là buộc phải tìm kiếm một lệnh bắt giữ ông Gaddafi để phá thế bế tắc của cuộc chiến tưởng chừng sẽ kết thúc rất chóng vánh. Liệu lệnh bắt giữ này có làm liên quân chiến thắng trong cuộc chiến tại Libya hay không? Kết quả vẫn chưa rõ nhưng cuộc chiến kéo dài trong 2 tháng qua có lẽ đã giúp các quốc gia này ngộ ra một thực tế rằng, cái giá phải trả cho việc can thiệp quân sự vào nội bộ của nước khác là không nhỏ. Và khi sự thật được phơi bày, người ta thấy người dân Libya chỉ là con tin của các nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục