
Không bằng lòng với hệ thống giáo dục cứng nhắc hiện nay, các bậc phụ huynh Hàn Quốc đã chấp nhận cả việc phải hy sinh hạnh phúc gia đình để cho con cái họ cơ hội học tập ở nước ngoài, dù chỉ để được thông thạo tiếng Anh.
- Những “bà mẹ ngỗng trời”

Trong sân trường tiểu học Remuera ở thành phố Aukland vào mỗi buổi chiều, bên cạnh những phụ huynh New Zealand bản xứ, người ta thấy hàng chục bà mẹ Hàn Quốc đến đón con, những đứa trẻ đến từ xứ sở Kim Chi. Những bà mẹ này được gọi là những bà mẹ “ngỗng trời”, tức là những bà mẹ “bỏ” chồng theo con ra nước ngoài để nuôi chúng ăn học trong nhiều năm.
Họ chấp nhận cảnh “mẹ theo con đi học”, bố ở nhà đi làm và mỗi năm thăm nhau vài lần. Tuy nhiên, không giống như các sinh viên nước ngoài khác, bậc cha mẹ Hàn Quốc có khuynh hướng cho con ra nước ngoài học khi còn là học sinh cấp 1, vì họ tin rằng ở tuổi này các em có khả năng học ngoại ngữ nhanh nhất.
Hiện tượng mới nổi này được các chuyên gia giáo dục cho rằng xuất phát từ sự phát triển kỷ nguyên của giáo dục toàn cầu. Hiện tượng này cũng đã đảo ngược truyền thống gia đình xưa nay, khi chỉ những ông chủ gia đình mới là người “ra đi”, để vợ và con ở lại nhà. Nếu như hầu hết các gia đình giàu có ở Hàn Quốc đều hướng cho con cái họ sang Mỹ học thì trong những năm qua, ngày càng nhiều gia đình trung lưu hướng con cái họ đến những nước có chi phí ít đắt đỏ hơn như Canada, Australia và New Zealand, với học phí hàng năm khoảng 8.700 USD. Tuy nhiên, dù học phí có rẻ hơn nhưng việc duy trì một lúc “2 gia đình” cũng khiến cho ngân sách của các bậc phụ huynh lúc nào cũng ở trong tình trạng “căng thẳng”, do hầu hết các bà vợ đều không thể đi làm khi ở nước ngoài vì những giới hạn visa.
- Dấu hiệu đáng tiếc của quốc gia
Theo Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc, năm 2006 có 29.511 trẻ em từ cấp hai đến trung học rời Hàn Quốc, gần gấp đôi so với năm 2004 và gấp 7 lần so với năm 2000. Con số này không kể đến những trẻ theo cha mẹ rời Hàn Quốc để làm việc hoặc để nhập cư. Còn theo thống kê của Chính phủ New Zealand và Mỹ, học sinh Hàn Quốc hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất trong khối sinh viên nước ngoài đang theo học tại Mỹ (hơn 103.000) và đứng thứ 2 ở New Zealand, sau học sinh Trung Quốc. Ở New Zealand, trong năm 2007 có 6.579 học sinh cấp 1 và cấp 2 Hàn Quốc theo học tại các trường, chiếm 38% tỷ lệ học sinh nước ngoài theo học tại nước này.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung – Bak sau khi lên nhậm chức tuyên bố rằng, ông sẽ tăng cường cho ngành giáo dục nước này hơn 10.000 giáo viên dạy tiếng Anh. Ông từng thừa nhận rằng: “Đây là điều không thể đoán trước được. Hàn Quốc thật sự là quốc gia duy nhất trên thế giới đang trải qua hiện tượng này, và thật sự là một dấu hiệu đáng tiếc”.
Chính phủ bảo thủ thừa hiểu rằng, thiếu tiếng Anh sẽ là một trong những yếu tố làm yếu đi lợi thế cạnh tranh của đất nước này trên trường quốc tế. Sau khi chính phủ mới nhậm chức vào tháng 12 năm ngoái, Bộ Giáo dục Hàn Quốc từng nhận được nhiều đề nghị dạy các môn học bằng tiếng Anh, trong đó có cả môn lịch sử Hàn Quốc. Cũng bắt đầu có những công ty lớn yêu cầu mọi thông tin và liên hệ trong công ty đều phải được thể hiện bằng tiếng Anh.
Phụ huynh Hàn Quốc phải chi khoảng 5 tỷ USD mỗi năm để gửi con cái họ ra nước ngoài học, tương đương khoảng 20% tổng kinh phí hàng năm của chính phủ cấp cho ngành giáo dục. Hệ thống giáo dục công lập của chính phủ đã xuất hiện nhiều dấu hiệu có vấn đề, khi mà đâu đâu người ta cũng thấy trẻ con Hàn Quốc, vẫn trong những bộ đồng phục ở trường, xuất hiện trên đường phố và các phương tiện công cộng vào ban đêm, sau khi chúng đã “hoàn thành” xong các lớp học thêm. Bộ Giáo dục ước tính rằng, khoản chi phí cho các lớp học thêm mà cha mẹ các em bỏ ra cao gấp 4 lần so với khoản chi phí bỏ ra của các gia đình ở các nước khác.
Khi ra nước ngoài, học sinh Hàn Quốc luôn chiếm vị trí đứng đầu lớp chỉ ở các bài kiểm tra lý thuyết (có tính chất học thuật). Đó là một trong những lý do mà các bậc phụ huynh Hàn Quốc luôn cho rằng, chương trình giáo dục của nước này đã thất bại không chỉ ở môn tiếng Anh mà còn những kỹ năng quan trọng khác trong thời đại toàn cầu hóa, như dạy trẻ khả năng tư duy. Còn theo nhiều học giả Hàn Quốc, nền giáo dục này đã khiến cho nền kinh tế của họ chậm lại sau nhiều thập kỷ tăng trưởng cao và đang bị siết chặt giữa những nền kinh tế hùng mạnh hơn như Nhật Bản và Trung Quốc.
- Nguy cơ gia đình tan rã
Phải mất nhiều năm nữa mới thấy được làn sóng trẻ con được giáo dục ở nước ngoài có tác dụng như thế nào khi trở lại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong khi những bà mẹ “ngỗng trời” tự nhận mình là những người “hậu bối hiện đại”, tiếp nối sự nghiệp từ bà mẹ của Mạnh Tử (triết gia vĩ đại Trung Quốc vào thế kỷ thứ 4 trước CN) 3 lần dời nhà để tìm kiếm môi trường tốt cho việc học hành của con, thì các chuyên gia tâm lý cho rằng họ đang đứng trước nguy cơ hủy hoại gia đình của mình. Chính cái cảnh “Ngưu lang Chức nữ” trong một thời gian dài đã đưa đến chuyện vợ chồng ngoại tình, nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ. Nhà tâm lý học Choi Yang–Suk tại Đại học Yonsei nhận định rằng: “Thậm chí khi có vấn đề, nhiều cặp đã chọn giải pháp phớt tỉnh vì sự nghiệp giáo dục con chúng ta”.
Park Jeong – Won (40 tuổi) và chồng cô, Kim Yoon–Seok (45 tuổi), bác sĩ nhãn khoa, đang ở New Zealand thăm gia đình cho biết cuộc hôn nhân của họ vẫn “tốt đẹp” sau 4 năm rưỡi, mặc dù các thành viên trong nhà không ở chung với nhau. Mỗi lần “tái hợp” là những tuần trăng mật. Thế nhưng, trong khi Park nói chuyện với chồng vài giờ mỗi ngày qua điện thoại, thì con trai và con gái của họ không bao giờ có ý định muốn trò chuyện với cha. Và dĩ nhiên, cha chúng cũng không muốn nói chuyện với con cái. Park lo lắng: “Chúng tôi có thể trở thành một gia đình xa lạ”, sau khi những đứa con của cô nói rằng chúng không nhớ bố lắm vì đã gặp ông ấy mỗi năm”
HẠNH CHI