Giá dịch vụ y tế tăng - Nhiều bức xúc chưa được giải quyết

12% dịch vụ y tế tăng giá
Giá dịch vụ y tế tăng - Nhiều bức xúc chưa được giải quyết

Sau nhiều lần điều chỉnh, từ ngày 15-4-2012, giá của khoảng 450 dịch vụ y tế và giường bệnh sẽ được điều chỉnh. Việc tăng viện phí lần này sẽ giúp các bệnh viện có thêm kinh phí hoạt động, giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, người dân, nhất là bệnh nhân nghèo, vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng liệu chất lượng khám chữa bệnh có được cải thiện từ việc tăng viện phí…!?

Do quá tải, bệnh nhân phải nằm, ngồi chờ ngoài hành lang vẫn còn phổ biến ở nhiều cơ sở y tế tại TPHCM và Hà Nội. Ảnh: Tr.Ng.

Do quá tải, bệnh nhân phải nằm, ngồi chờ ngoài hành lang vẫn còn phổ biến ở nhiều cơ sở y tế tại TPHCM và Hà Nội. Ảnh: Tr.Ng.

12% dịch vụ y tế tăng giá

Theo Thông tư liên bộ Y tế - Tài chính về mức giá tối đa cho một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế công lập mới được ban hành, sẽ có 447 dịch vụ y tế và giá giường bệnh được điều chỉnh tăng giá từ ngày 15-4-2012. Những bệnh nhân điều trị nội trú vào viện trước ngày quy định này có hiệu lực, được thực hiện theo mức thu cũ cho đến khi ra viện.

Đáng chú ý, Bộ Y tế cho biết, gần 450 dịch vụ y tế được tăng giá trong tháng tới đây chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng số 4.000 dịch vụ y tế đang được cung cấp. Tuy nhiên, mức giá mới của nhiều dịch vụ y tế sẽ tăng hơn so với mức hiện hành 30-400% và chênh lệch giữa giá tối thiểu và giá tối đa theo quy định mới khoảng 5-10%.

Theo đó, khung giá khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa của bệnh viện hạng đặc biệt, hạng nhất là 20.000 đồng; bệnh viện hạng nhì là 15.000 đồng; hạng ba là 10.000 đồng, bệnh viện chưa phân hạng, phòng khám đa khu vực 7.000 đồng và trạm y tế xã là 5.000 đồng.

Cũng theo quy định mới, đối với giá giường bệnh ở các hạng bệnh viện, trạm y tế thấp nhất từ 12.000 đồng đến 150.000 đồng/giường/ngày. Mức cao nhất là 335.000 đồng/giường/ngày điều trị hồi sức tích cực, nhưng chưa bao gồm chi phí máy thở nếu có (theo quy định cũ, giá cao nhất là 120.000 đồng/giường/ngày tại bệnh viện hạng nhất điều trị hồi sức cấp cứu).

Tuy nhiên để bảo đảm công bằng, cũng như góp phần giảm tải bệnh viện, trường hợp người bệnh phải nằm ghép 2 người/giường, các bệnh viện chỉ được thu tối đa 50% tiền giường và nếu nằm ghép từ 3 người trở lên chỉ được thu tối đa 30%.

Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, cho biết, Bộ Y tế và Bộ Tài chính cũng đã thống nhất bổ sung nhiều dịch vụ khám chữa bệnh mới theo tình hình thực tế hiện nay. Các dịch vụ được cho là hay bị lạm dụng cũng được tách riêng thành từng dịch vụ cụ thể để hướng tới chi phí thật.

Chẳng hạn, như nếu trước đây giá dịch vụ y tế siêu âm màu thường được tính chung chung thì trong quy định mới được tách bạch rõ ràng giá từng loại như: siêu âm màu tim, siêu âm màu mạch máu… Dịch vụ y tế đỡ đẻ cũng tách riêng từng loại hình như đỡ đẻ thường, đỡ đẻ ngôi ngược, đỡ đẻ từ sinh đôi trở lên thay vì quy định chung là đẻ khó, đẻ dễ như trước đây.

Nâng cao chất lượng, giảm tiêu cực !?

"Dự tính sang năm 2013, với sự gia tăng chi phí y tế bình quân hàng năm, quỹ BHYT sẽ bị mất cân đối, lúc đó bắt buộc phải tính tới việc tăng mức đóng góp đối với người tham gia BHYT để đảm bảo đủ nguồn kinh phí chi trả khám chữa bệnh BHYT"

Ông Vũ Xuân Bằng,
Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT,
Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Rõ ràng việc điều chỉnh viện phí tới đây mới chỉ mới tăng một phần nhỏ trong tổng số hàng ngàn dịch vụ y tế đang được ngành y tế cung cấp, song quy định này cũng đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân, bởi lẽ hiện nay cả nước mới chỉ có khoảng 60% dân số có thẻ BHYT, đồng nghĩa với việc khi đi khám chữa bệnh họ sẽ được Quỹ BHYT chi trả.

Trong khi đó còn khoảng 40% dân số chưa có BHYT, nhất là với đối tượng thuộc gia đình nông dân, hộ cận nghèo… việc phải chi trả từ vài trăm tới hàng triệu đồng cho một lần đi viện chữa bệnh quả là gánh nặng rất lớn đối với gia đình họ.

Đáng quan tâm hơn, mặc dù viện phí sẽ phải tăng, song các giải pháp đi cùng để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giải quyết tình trạng quá tải, tiêu cực, nhũng nhiễu tại không ít cơ sở y tế vẫn là vấn đề nan giải.

Mặc dù viện phí mới được áp dụng, song điều này không có tác động tới lương của cán bộ y tế, vì lương cán bộ y tế vẫn do Nhà nước chi trả.

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, viện phí mới lần này được tính gồm chi phí: thuốc, máu, dịch truyền; chi phí điện nước, thông tin liên lạc, xử lý rác thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế. Chưa tính tiền lương, phụ cấp, khấu hao nhà cửa, trang thiết bị, chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học. Do vậy, việc điều chỉnh viện phí lần này không nhằm mục đích tăng thu nhập cho cán bộ y tế.

Thực tế, dù chưa tính tới lương hay nâng cao thu nhập của cán bộ y tế, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn là những đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất đối với việc tăng viện phí. Nhiều bệnh viện cho rằng, mức tăng viện phí tới đây vẫn chưa để đủ cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, dù đã giúp giảm bớt phần nào khó khăn cho hoạt động của cơ sở.

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho rằng, tiền công khám, chữa bệnh hay tiền ngày giường theo bảng viện phí mới vẫn chưa thấm vào đâu so với thực chi của bệnh viện nhưng sẽ giảm các khoản phụ phí mà người bệnh phải gánh chịu.

Nguyễn Quốc

Tin cùng chuyên mục