Sau khi Bộ Công thương quyết định điều chỉnh tăng giá điện thêm 5% kể từ ngày 1-8, một số doanh nghiệp (DN) cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá điện vào thời điểm hiện nay đang gây ra không ít khó khăn cho quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi (quận Tân Phú, TPHCM), phân tích: Việc điều chỉnh tăng giá điện gây khó khăn cho các DN sản xuất, kinh doanh và người dân. Bởi lẽ, từ trước tới nay, mỗi khi giá điện tăng, giá cả thị trường sẽ tăng theo. Do đó, giá điện tăng sẽ làm cho chi phí đầu vào tăng; trong khi đó giá bán sản phẩm đầu ra lại giảm vì lượng hàng tồn kho nhiều, DN muốn bán được hàng hóa phải sử dụng các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng. Như vậy, DN sẽ không có lãi trong quá trình sản xuất.
Đồng quan điểm này, ông Trần Văn Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất tôn Tân Phước Khanh (Khu Công nghiệp Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết: Hiện nay, đối với ngành sản xuất tôn, thép sản lượng tiêu thụ điện hàng tháng rất lớn. Cụ thể, đối với công ty, chi phí tiền điện tiêu thụ trung bình khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Vì vậy, việc giá điện tăng 5%, riêng chi phí tiền điện sẽ tăng thêm 50 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể giá gas, giá nước và các chi phí đầu vào khác cũng sẽ tăng theo làm cho chi phí giá thành sản phẩm tăng lên rất nhiều. Do nguồn điện phục vụ sản xuất đòi hỏi công suất lớn nên khi giá điện tăng, DN không còn cách nào khác là vẫn phải dùng hệ thống điện lưới quốc gia. “Theo tôi, trong thời điểm khó khăn hiện nay, việc Nhà nước tiến hành điều chỉnh tăng giá điện là không phù hợp, DN vốn đã gặp nhiều khó khăn càng khó khăn thêm” - ông Tâm nhấn mạnh.
Ở góc độ của hiệp hội ngành nghề, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng, việc giá điện tăng sau khi giá xăng vừa điều chỉnh tăng là không hợp lý. Tuy nhiên, theo tôi về lâu dài việc tăng giá điện là cần thiết. Song việc tăng giá điện ở mức độ nào cần phải công khai, minh bạch, rõ ràng các khoản chi phí ngành điện, chứ không thể kêu thua lỗ để tăng giá; trong khi chúng ta không biết đó là thua lỗ do quản trị kém hay do đầu tư ngoài ngành. Về các giải pháp trước mắt để đối phó với tình trạng tăng giá điện, theo ông Hưng, đối với người tiêu dùng nên sử dụng tiết kiệm điện; các DN nên sử dụng các thiết bị ít tiêu tốn năng lượng.
ĐÌNH LÝ
- Thông tin liên quan: