Văn phòng Xứ ủy Nam bộ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT

“Gia đình” 29 Huỳnh Khương Ninh

Tấm bình phong
“Gia đình” 29 Huỳnh Khương Ninh

Hôm nay 12-6, Văn phòng Xứ ủy Nam bộ thời kỳ 1956 – 1957 vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những thành viên khi ấy ở “gia đình” 29 Huỳnh Khương Ninh - Văn phòng Xứ ủy Nam bộ đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong giai đoạn cách mạng miền Nam đầy thử thách.

Đồng chí Lê Duẩn cùng “gia đình” Văn phòng Xứ ủy Nam bộ thời kỳ 1956 - 1957.

Đồng chí Lê Duẩn cùng “gia đình” Văn phòng Xứ ủy Nam bộ thời kỳ 1956 - 1957.

Tấm bình phong

Trong căn nhà nằm ở con hẻm yên tĩnh trên đường Nguyễn Đình Chiểu quận 1, đưa tay lần giở từng tấm hình, từng trang tư liệu, bà Nguyễn Thị Loan như sống lại ký ức thời kỳ hoạt động của Văn phòng Xứ ủy Nam bộ. Vào cuối năm 1955, đồng chí Hoàng Như Khương, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, bị bắt sau khi một tên phản bội khai báo.

Tuy Văn phòng Xứ ủy Nam bộ đặt tại một cơ sở cưa xẻ gỗ ở khu vực ngã ba Ông Tạ (nay là đường Phạm Văn Hai quận Tân Bình) không bị lộ nhưng theo nguyên tắc, vẫn phải di chuyển. Qua sự móc nối của cơ sở, đồng chí Lê Toàn Thư, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy nhờ một quần chúng có cảm tình với cách mạng là chị Nguyễn Thị Danh tìm thuê một căn nhà. Nhờ quen biết rộng, chị Danh đã tìm được căn nhà số 29 Huỳnh Khương Ninh Đa Kao Đất Hộ (nay là phường Đa Kao quận 1) với các lợi thế để đặt cơ sở bí mật: gần chợ Đa Kao, đường nhỏ một chiều, khu vực yên tĩnh, kín đáo, có thêm lối đi phía sau nhà.

Để không có gì khác biệt với những gia đình khác trong vùng dân cư có “ngũ gia liên bảo” (những người sống trong 5 gia đình phải theo dõi, quản lý lẫn nhau) thời đó, một gia đình bình phong sinh sống ở căn nhà này được dựng lên với đầy đủ già - trẻ, nam - nữ. Chi bộ Văn phòng cũng được thành lập.

Bà Nguyễn Thị Loan nhớ lại: “Giữa năm 1956, tôi được Xứ ủy yêu cầu về hoạt động tại căn nhà số 29 Huỳnh Khương Ninh, đưa hai con nhỏ 6 tuổi và 2 tuổi đi theo. Tôi lo lắm, không biết dắt con đi theo có làm trở ngại cho hoạt động hay không, rồi nếu chẳng may mình bị bắt thì các con sẽ như thế nào nhưng Đảng đã phân công phải thực hiện. Đến nơi, tôi mới biết mỗi người trong nhà, kể cả con tôi đều có vai diễn công khai của mình. Anh Trịnh Long Nhi làm anh hai, đóng vai trò một nhà giáo ngày ngày đi dạy học. Tôi lúc đó 28 tuổi, đóng vai em gái của anh Nhi, là vợ của sĩ quan ngụy, chồng thường chinh chiến xa nhà nên đưa con về ở với anh, em cho đỡ buồn. Ở ruộng ở rừng nhiều năm, tôi không quen trang điểm nhưng giờ trở thành vợ sĩ quan nên mỗi khi ra khỏi nhà đều phải đánh một chút son phấn, đi lại bằng xe taxi.

Đội cận vệ bí mật

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với những cán bộ, nhân viên của “gia đình” 29 Huỳnh Khương Ninh là được chăm sóc, bảo vệ cho đồng chí Lê Duẩn, lúc ấy là Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Bà Nguyễn Thị Loan nhớ lại: “Đêm hôm ấy (giữa năm 1956 - PV), cơm tối xong, chuông reo, chúng tôi ra mở cửa, một ông già râu dài mặc áo bà ba bước vào nhà, theo sau là anh Bảy - Lê Toàn Thư. Mọi người nhận ra được là anh Ba, dù anh gầy rộc, râu bạc trắng dài chấm ngực, chỉ đôi mắt sáng, miệng cười nhân hậu là vẫn vậy. Không ai bảo ai, nước mắt tuôn trào, khẽ gọi: anh Ba, anh Ba… Có tiếng nhắc nhở: Từ giờ gọi chú Chín nghen…”.

Việc nghi trang và bảo vệ an toàn cho anh Ba nói giọng Quảng Trị giữa lòng Sài Gòn là chuyện không dễ. Ông Tám Thảo nhớ lại: Khi tôi chỉ từng chi tiết trong căn nhà để anh Ba được rõ, nhất là chiếc đi-văng vốn là chỗ ẩn nấp bí mật khi có biến cố xảy ra, anh Ba bật cười, lắc đầu: “Chắc tôi không phải chui vào đó đâu”. Những ngày anh Ba ở 29 Huỳnh Khương Ninh, chúng tôi cố gắng hết sức bảo vệ an toàn tuyệt đối, ngay cả chuyện cắt tóc cũng được bố trí rõ ràng, không để anh Ba phải mở miệng vì rất dễ bị lộ. Có lần anh Ba đi bách bộ khu vực xung quanh, có tôi đi cùng. Anh em văn phòng không biết, tìm nháo nhào. Khi về, anh Ba chỉ cười bảo không sao cả, đi dạo cho sảng khoái, không mất công phiền phức mọi người phải sắp xếp…”.

Trong những ngày ở văn phòng, bản đề cương cách mạng Việt Nam ở miền Nam, gọi tắt là Đề cương cách mạng miền Nam ra đời do chính đồng chí Lê Duẩn viết, ông Tám Thảo viết lại trên giấy bạch chỉ rồi đem cất giấu, chờ chuyển đi.

Ông Tám Thảo nhớ lại: “Chúng tôi lấy trái ngũ bội ngâm lấy nước để viết bạch chỉ, một loại mực viết lên giấy, khi để khô, chữ lặn mất, khi phết nước pha hóa chất lên, chữ sẽ hiện ra. Những trang bản thảo đề cương được viết xen vào giữa các dòng chữ in sẵn trong cuốn tiểu thuyết. Việc này sẽ giúp qua mắt địch nếu không may bị phát hiện. Những lần viết chủ yếu là ban đêm, anh Ba còn sửa đi sửa lại nhiều lần cho đến khi hoàn chỉnh”. Sau 6 tháng, bản đề cương đã hoàn thành, góp phần làm cơ sở lý luận và tư tưởng chính trị để hình thành Nghị quyết Trung ương 15 Đảng Lao động Việt Nam sau này.

Chiều 11-6, đoàn cán bộ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng đã đến Bệnh viện Thống Nhất thăm đồng chí Nguyễn Thị Một (Chánh Văn phòng kiêm Bí thư chi bộ Văn phòng Xứ ủy Nam bộ, 29 Huỳnh Khương Ninh, 1956 – 1957). Đồng chí Huỳnh Thị Nhân, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng hỏi thăm sức khỏe và báo cáo với đồng chí Nguyễn Thị Một về việc Văn phòng Trung ương Đảng sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của Văn phòng Xứ ủy Nam bộ vào sáng 12-6.

Ái Chân – Thanh Tâm

Tin cùng chuyên mục