Gia đình chung của những người bán vé số

Hơn 6 năm nay, có một ngôi nhà nhỏ đặc biệt, nằm khuất trong con hẻm số 24 đường Nguyễn Văn Cừ (phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM). Đây là nơi tá túc, sinh hoạt của hàng chục người làm nghề bán vé số. Anh Ngô Văn Tiến (51 tuổi, quê ở Phú Yên) là người đứng ra thuê căn nhà với mức giá 6 triệu đồng/tháng.
Trò chuyện, sẻ chia sau một ngày mưu sinh vất vả
Trò chuyện, sẻ chia sau một ngày mưu sinh vất vả

Nhà rộng chừng 25m2, có một gác, bao năm nay trở thành nơi trú ngụ, sinh hoạt của hơn 35 người cùng quê Phú Yên, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Anh Tiến cho biết: “Ngôi nhà này tôi thuê cách đây 11 năm. Ban đầu có 6 người ở, về sau thấy nhiều người bán vé số cùng cảnh ngộ nghèo khó, lại cùng quê, nên tôi đã ngỏ lời mời họ về ở trong ngôi nhà chung. Ở càng đông thì càng chật chội, nhưng giúp mọi người san sẻ bớt tiền nhà, có thêm chút tiền để ăn uống, thuốc men những lúc ốm đau”.

Anh Tiến là người còn sức khỏe nhất nên hàng ngày phải làm rất nhiều việc, từ dọn dẹp nhà cửa, lấy vé số, rồi chở mọi người đến nơi bán, sau đó mới quay lại công việc chính của mình là hành nghề chạy xe ôm. Những ai không đủ tiền mua vé số, anh đều sẵn sàng ứng tiền túi và đi lấy vé giúp họ.

Căn nhà nhỏ, đã cũ kỹ lại đông người nên không gian sinh hoạt, ngủ nghỉ rất chật chội, nóng bức. Mọi người phải sắp xếp đồ đạc gọn gàng và chia thời gian làm việc sao cho lệch nhau. Những người có sức khỏe thường đi bán vào khoảng thời gian từ 5 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau, dành chỗ nghỉ ngơi cho những người khác. Vì tính chất công việc nên mọi người ở đây chỉ ăn chung một bữa cơm vào lúc 3 giờ chiều trước khi đi bán, còn lại là tự ăn bên ngoài. Bữa cơm đạm bạc nhưng ai cũng cười nói vui vẻ.

Chị Đào Thị Lơ (57 tuổi) từ nhiều năm nay đảm nhiệm công việc đi chợ và nấu ăn cho mọi người trong nhà. Trước đây, chị Lơ cũng bán vé số, nhưng không bán được nhiều nên mọi người khuyên chị ở nhà nấu ăn, lo việc bếp núc. Chị Lơ cho hay: “Mỗi người đóng 10.000 đồng/ngày, hôm nào đi chợ rẻ thì có thêm chút thịt, chút cá; hôm nào đồ ăn mắc quá thì chỉ có canh, rau luộc và trứng chiên. Tuy đơn sơ là vậy, nhưng mọi người đều thông cảm với nhau, có ngon thì ăn ngon, có dở thì ăn dở”.

Cuộc sống ở quê nghèo khó, hạn hán, bão lũ mất mùa, không có đất canh tác nông nghiệp, họ đành rời quê hương vào TPHCM đi “góp nhặt” từng miếng cơm, manh áo. Họ gặp gỡ nhau để rồi cùng về sống chung, nhằm giảm tối đa chi phí và quan trọng hơn là để mọi người tiện giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Dẫu còn khó khăn nhưng trong ngôi nhà nhỏ này luôn tràn ngập tiếng cười và sự sẻ chia...

Tin cùng chuyên mục