Gia đình nạn nhân đề nghị thay đổi tội danh

Gia đình nạn nhân đề nghị thay đổi tội danh

Xét xử phúc thẩm vụ dùng nhục hình dẫn đến chết người ở Phú Yên:

>> Xét xử vụ dùng nhục hình tại Phú Yên: Làm rõ hành vi “nhục hình bằng roi điện”

- Phúc thẩm vụ 5 công an dùng nhục hình dẫn đến chết người: Tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra lại

(SGGPO).- Trong 3 ngày 7, 8 và 9-9, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đưa ra xét xử phúc thẩm vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người xảy ra ở Công an TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Tại phiên tòa gia đình nạn nhân yêu cầu thay đổi tội danh đối với các bị cáo, từ tội "dùng nhục hình" sang tội "giết người".

Tại phiên xét xử, đại diện viện kiểm sát (VKS) cho rằng các bị cáo khai do nạn nhân Kiều không thành khẩn khai báo nên đã bức xúc dùng dùi cui đánh. Bị cáo Thành khi canh giữ nạn nhân Kiều để cho các bị cáo khác đi ăn cơm, đã dùng dùi cui đánh vào đầu Kiều. Mặc dù Thành không thừa nhận hành vi của mình nhưng qua lời khai của nhân chứng cộng với vết thương trên đầu nạn nhân thì đủ cơ sở khẳng định rằng Thành đã dùng dùi cui cao su đánh lên đầu nạn nhân. Đây là nguyên nhân chính gây nên cái chết của Kiều. Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan của bị cáo Thành.

Cũng theo đại diện VKS, đối với kháng cáo của các bị cáo Quang, Quyền, Mẫn kháng cáo, nhận thấy các bị cáo đều được đào tạo là trinh sát có đủ hiểu biết nhưng do nóng vội đã bất chấp quy định nên khi xét hỏi nạn nhân Kiều đã có hành vi dùng dùi cui cao su đánh Kiều. Dù không có bàn bạc nhưng biết sử dụng nhục hình là xâm hại đến sức khỏe của người khác. Vì vậy, các bị cáo cùng chịu trách nhiệm chung về cái cái chết của nạn nhân. Theo đại diện VKS, cấp sơ thẩm tuyên mức hình phạt trên là có căn cứ.

Tuy nhiên, đối với 2 bị cáo Mẫn và Quyền do có thành tích trong ngành công an, gia đình có công cách mạng nên đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét cho 2 bị cáo này được hưởng án treo.

5 bị cáo nguyên là Công an trong phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Nguyên Khôi

Tại phiên toà, đại diện gia đình nạn nhân yêu cầu đổi tội danh của các bị cáo từ "dùng nhục hình" sang tội "giết người"; đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, nguyên Phó trưởng Công an TP Tuy Hoà (Phú Yên) và Trưởng công an xã cùng một số công an xã về tội danh "bắt giữ người trái pháp luật"; đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh, viện Trưởng viện kiểm sát Nhân dân TP Tuy Hoà vì tội "không khởi tố người phạm tội".

Đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, ông Lê Đức Hoàn chỉ đạo đưa Kiều về trụ sở là đúng nhưng quá trình thực hiện không đúng thủ tục. Cán bộ điều tra đã bắt Kiều khi chưa có lệnh phê chuẩn từ phía VKS. Tuy nhiên, do Kiều là nghi can phạm tội trộm cắp tài sản nên việc bắt giữ là cần thiết. Do đó, trường hợp này không đủ yếu tố cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật. Quan điểm của đại diện VKSND Cấp cao về đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh, đại diện VKSND cho rằng do không được cấp sơ thẩm xem xét nên ngoài quyền của cấp phúc thẩm.

Về kháng cáo của bà Trần Thị Tâm, vợ nạn nhân Ngô Thanh Kiều, xin giảm nhẹ án cho bị cáo Quyền, Mẫn và Quang, vị đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng: Trong quá tình xét hỏi, các điều tra viên, trinh sát đã có hành vi dùng nhục hình, bỏ đói đủ yếu tố cấu thành hành vi dùng nhục hình, ko đủ cơ sở, căn cứ để thay đổi tội danh sang giết người. Muốn có chuyển sang thì phải có chứng cứ. Vì vậy, kháng cáo của bà Tâm xin giảm nhẹ án cho Quyền, Mẫn, Quang là không có căn cứ, ko có tình tiết giảm nhẹ mới.

Tại phiên toà xét xử phúc thẩm này, HĐXX tập trung làm quá trình giám định thương tích cũng như nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Đại diện gia đình bị hại cho rằng trên cơ thể Kiều có 72 vết thương, trong đó có 12 vết thương ở đầu. Trong khi đó bản giám định của Trung tâm Giám định Phú Yên chỉ xác định có 63 vết thương và chỉ có 3 vết thương ở đầu.

Lý giải về sự chênh lệch này, ông Hồ Viết Thọ, Giám đốc Trung tâm Giám định Phú Yên, nói rằng, trong kết luận giám định không ghi rõ có bao nhiêu vết thương. Tuy nhiên, sau khi CQĐT yêu cầu thì trung tâm trả lời có 63 vết. “Chỉ có 63 vết chứ không phải 72 vết vì có những vết thương nó nhòe ra nên người ta tưởng nhầm. Còn trên đầu có 3 vết thương do vật tày (đè) gây nên” - ông Thọ tái khẳng định trước tòa.

Ông Thọ cũng cho rằng những vết thương trên đầu nạn nhân không thể do đập vào tường hay nền nhà vì như thế thì vết thương sẽ bao trùm và lớn hơn nhiều. Trong khi đó vết thương của Kiều có kích thước rõ ràng.

Trả lời câu hỏi của luật sư tại sao nội tạng của Kiều bị bầm dập hết, có phải do tác động của ngoại lực như bị đạp vào vùng bụng, ông Thọ nói giám định pháp y không thấy có tác động bên ngoài vào, có thể do nạn nhân bị chấn thương sọ não kết hợp với bụng đói làm ảnh hưởng đến nội tạng (máu ứ đọng thì gây nên xung huyết). Đây là phản ứng của cơ thể khi bị chấn thương sọ não. Luật sư chỉ ra một sai sót trong quá trình giám định, đó là trong biên bản thu mẫu giám định thi thể nạn nhân thì có 13 loại, trong đó có da bìu nhưng trong biên bản xét nghiệm mô học (cũng của trung tâm này) thì chỉ có 12 loại (không có da bìu). Ông Thọ cho rằng đây là lỗi thiếu sót do đánh máy và đã bổ sung sai sót này. Đồng thời, ông khẳng định khi bàn giao cho Phân viện Pháp y Trung ương 2 tại TPHCM thì vẫn giao đủ 13 loại. Còn vì sao kết quả giám định thi thể lại không có da bìu thì ông Thọ nói cái này là do phía Phân viện Pháp y Trung ương 2.

Trả lời HĐXX về việc căn cứ vào giám định pháp y có thể xác định rõ thời điểm nạn nhân Kiều bị đánh chấn thương sọ não không, ông Thọ nói chỉ có thể xác định khoảng thời gian 4-6 giờ trước khi tử vong.

Trước đó, ngày 15-4-2015, tại TP Tuy Hòa, TAND tỉnh Phú Yên tiến hành tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa. Theo đó, thượng tá Lê Đức Hoàn, nguyên Phó Công an TP Tuy Hòa, nguyên trưởng ban chuyên án điều tra vụ trộm cắp mà Ngô Thanh Kiều là nghi can bị dùng nhục hình đến chết bị tuyên phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Năm bị cáo còn lại đều phạm tội “dùng nhục hình ”, trong đó, Nguyễn Minh Quyền (nguyên Thiếu tá, Đội Phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - PC45 Công an tỉnh Phú Yên) bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Tấn Quang (nguyên Thiếu tá Công an TP Tuy Hòa) bị tuyên phạt 2 năm tù; bị cáo Phạm Ngọc Mẫn (nguyên Thượng úy Công an TP Tuy Hòa) bị tuyên phạt 2 năm 3 tháng tù; bị cáo Đỗ Như Huy (nguyên Trung úy Công an TP Tuy Hòa) bị tuyên phạt 1 năm tù cho hưởng án treo; bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên Thiếu úy Công an TP Tuy Hòa) bị tuyên phạt với mức án cao nhất 8 năm tù. Bị cáo Thành cho rằng mình bị oan, không đánh Ngô Thanh Kiều. Bị cáo Thành đã kháng cáo kêu oan.

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục