Từ đầu tháng 8-2011 đến nay, giá lúa gạo ở ĐBSCL tiếp tục diễn biến theo hướng tăng dần. Nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL lỡ ký hợp đồng xuất gạo trước đây phải bấm bụng chịu lỗ mua gạo giá cao để thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, mặt bằng giá gạo trong nước cũng tăng dần. Chuyện theo dõi sát diễn biến để bình ổn giá là rất cần thiết…
Giá kỷ lục trong 20 năm qua
Nông dân ĐBSCL đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa hè-thu. “Lúa vừa thu hoạch được thương lái mua tại ruộng với giá 5.300 đồng - 5.400 đồng/kg. Quy ra lúa khô khoảng 6.300 đồng - 6.400 đồng/kg. Đây là lần đầu tiên trong gần 20 năm làm lúa, tôi mới chứng kiến cảnh lúa hè-thu cao giá hơn lúa đông-xuân”, nông dân Điền Văn Bảnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vui mừng nói.
Trong khi đó, tại Tam Bình - Vĩnh Long, dù nông dân chưa thu hoạch lúa hè-thu nhưng thương lái săn mua lúa cũ (lúa đông-xuân) với giá 140.000 đồng/giạ (khoảng 7.000 đồng/kg). Anh Năm Hết, nông dân tại xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, cho biết, chưa bao giờ thấy thương lái hoạt động nhộn nhịp như hiện nay.
Nhiều thương lái muốn đặt cọc mua lúa tươi với giá cao nhưng không ít nông dân vẫn dè dặt chưa quyết định. Trong tuần qua, giá lúa ở ĐBSCL đã nhích thêm 300 đồng - 400 đồng/kg. Trong đó, lúa IR 50404 đạt mức 6.400 - 6.500 đồng/kg, lúa thơm Jasmine 7.000 - 7.200 đồng/kg. Đây được xem là mức giá kỷ lục trong gần 20 năm qua của lúa hè-thu. Do nhu cầu tiêu thụ tăng, nông dân rất mừng khi bán lúa giá cao tại ruộng, không bị thương lái ép giá hay bán thấp để các trung gian mua dự trữ…
Trong khi đó, 4 ngày qua, bình quân mỗi ngày giá tại các chợ đầu mối cung ứng gạo nguyên liệu như Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng - Thốt Nốt (Cần Thơ) tăng thêm 100 đồng/kg. Từ 8.900 đồng/kg rồi 9.000 đồng/kg và nay là 9.300 đồng/kg. Nhiều thương lái ở Cái Răng - Cần Thơ tiến thoái lưỡng nan, vì mới bán gạo 9.100 đồng/kg cho các doanh nghiệp nhưng khi quay lại mua lúa xay xát giá thành đã đội lên 9.200 đồng/kg.
Ngăn chặn tình trạng tích trữ “ngoài luồng”
“Hiện nay có doanh nghiệp xuất khẩu đặt hàng gạo 15% tấm là 10.800 đồng/kg nhưng chúng tôi không tìm ra nguồn để cung cấp” - một doanh nghiệp ở Thốt Nốt - Cần Thơ cho biết. Điều này cho thấy, vì sao tại Tiền Giang nhiều doanh nghiệp than thua lỗ do mua giá gạo cao để thực hiện hợp đồng xuất khẩu.
Theo một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tình trạng này VFA đã cảnh báo nhưng một số doanh nghiệp vẫn bất chấp ký hợp đồng xuất khẩu giá thấp mà không có nguồn hàng dự trữ nhất định, chuyện thua lỗ là hiển nhiên. Đây là bài học cho tình trạng xuất khẩu dạng manh mún, ký hợp đồng theo dạng “đón gió”.
“Nguồn lúa gạo hiện nay được tiêu thụ rất mạnh, nhiều doanh nghiệp muốn mua gạo với số lượng 30 - 40 tấn/ngày như trước đây là rất khó khăn” - anh Trần Khánh Lớn, một doanh nghiệp kinh doanh gạo ở Cái Răng - Cần Thơ cho biết. Hiện giá gạo ở thị trường nội địa đã tăng thêm 300 đồng/kg so với tuần rồi. Đây là tình trạng “sốt” rất hiếm khi xảy ra ở vựa lúa ĐBSCL.
Theo TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, đến nay nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 820.000 ha/1,75 triệu ha lúa hè-thu, lượng lúa hàng hóa sắp thu hoạch rất dồi dào. Tuy nhiên, những diễn biến trên thị trường lúa gạo hiện nay rất khó lường. đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp không phải ngành kinh doanh gạo, không có hợp đồng xuất khẩu cũng nhảy vào thu mua lúa, gạo để tích trữ hàng!
Theo một lãnh đạo VFA, trước diễn biến của giá lúa gạo, VFA đang theo dõi sát tình hình. Song, trước mắt VFA thấy chưa cần thiết để “tung hàng” bình ổn giá cả lương thực.
Giá lúa gạo hè-thu tăng ở mức kỷ lục trong vòng 20 năm, nông dân trồng lúa ĐBSCL rất phấn khởi. Tuy nhiên, việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp ngoài ngành kinh doanh lúa gạo nhảy vào đầu cơ tích trữ là cần thiết để kiểm soát, bình ổn giá gạo nội địa.
CAO PHONG