Phát biểu tại diễn đàn của Trung tâm Saban về chính sách Trung Đông thuộc viện Brookings tại Washington (Mỹ) cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa khẳng định kết luận về giải pháp hai nhà nước hòa bình tại Trung Đông.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ của Tổng thống Obama đưa ra thông điệp trên. Washington từng nhiều lần nhấn mạnh đây là giải pháp hợp lý nhất để đảm bảo an ninh cho Israel. Thế nhưng, trước tất cả nỗ lực từ Mỹ, Israel thẳng thừng bác bỏ bất cứ sự can dự của bên thứ ba nào. Israel, từ một đồng minh thân thiết của Mỹ, nay đã xem Mỹ là người ngoài cuộc.
Khái niệm hai nhà nước không mới. Năm 2007, tại Hội nghị hòa bình quốc tế về vấn đề Trung Đông tại Annapolis do Mỹ tài trợ, cựu Tổng thống Mỹ G.Bush và cựu Thủ tướng Israel E.Olmert cùng Tổng thống Palestine Mahnoud Abbas đã khẳng định đây là hướng giải quyết khả thi. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Mỹ còn chiều chuộng Israel khi ủng hộ quan điểm của nước này rằng Nhà nước Palestine được thành lập phải trên cơ sở đạt được đồng thuận giữa Israel và Palestine về vấn đề đường biên giới, về người tị nạn Ảrập (giờ đã là công dân Israel) và về thành phố cổ Jerusalem mà cả hai bên đều đòi làm thủ đô.
Từ khi mới lên cầm quyền, Chính phủ của Tổng thống Obama cũng tiếp tục quan điểm của cựu Tổng thống G.Bush, bằng chứng là việc bỏ phiếu phản đối tại phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) công nhận Palestine là quan sát viên của Đại hội đồng và trừng phạt UNESCO khi cơ quan này của LHQ công nhận Palestine là quốc gia độc lập. Thế nhưng, thái độ cực đoan của Israel về lộ trình hòa bình Trung Đông và mới đây nhất là việc công khai chỉ trích Mỹ trong chính sách hướng tới bình thường hóa với Iran đã khiến Mỹ cảm thấy khó chịu. Nhưng giờ đây, Mỹ không còn đủ ảnh hưởng để Israel cân nhắc đến chuyện “lùi một bước”. Với Israel, Chính phủ Mỹ ngày nay không còn là Chính phủ Mỹ ở thập niên 40 của thế kỷ trước để sẵn sàng hậu thuẫn cho Israel.
Đối với Mỹ, mọi chuyện dường như “già néo đứt dây”. Mới đây, Mỹ tuyên bố cắt giảm viện trợ quân sự cho Israel với lý do ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, khiến tổ hợp tên lửa đánh chặn Arrow và Davis Sling của Israel có thể bị đóng băng. Israel “mỉa mai” rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ quá bận rộn vì còn phải giải quyết nhiều mâu thuẫn ở các nước khác. Israel đơn phương tìm đến Saudi Arabia để thảo luận về một liên minh quân sự để tấn công Iran. Liên minh Do Thái - Ảrập, hai dân tộc từng được xem là kẻ thù, là điều chưa từng có. Ngoại trưởng Israel Avigdor Liberman tháng trước tuyên bố nước này sẽ tập trung thiết lập quan hệ với những đồng minh mới, thay vì chỉ dựa vào mối quan hệ với Mỹ.
Bất đồng giữa Mỹ và Israel không chỉ phản ánh sức chịu đựng của Mỹ đối với anh bạn quá “cứng rắn” như Israel đã cạn kiệt, mà bản chất đằng sau vấn đề này là những nước cờ chạy đua giữ vị thế chính trị cũng như tầm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. Trong cuộc chạy đua giữ vị thế này, Mỹ có khi phải hy sinh nhiều mối quan hệ đồng minh lâu năm. Nhưng xét cho cùng, việc Mỹ không thể điều khiển Israel còn phản ánh một thực tế, nước Mỹ đã mất dần ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế. Trong khi mâu thuẫn ở các khu vực trên toàn cầu ngày càng tăng, Mỹ lại phải gồng mình cứu nền kinh tế trong nước, thì việc tính toán cân bằng lợi ích quốc gia lại càng khó khăn. Chính người dân Mỹ qua cuộc khảo sát mới đây nhất cũng thừa nhận rằng nước Mỹ đã dần mất ảnh hưởng trên chính trường quốc tế. Thể hiện rõ nhất là thái độ của Mỹ đối với các vấn đề về Trung Đông.
NHƯ QUỲNH