Giá nhà đất tăng, ai hưởng lợi?

Năm 2007, cơn sốt đỉnh điểm giá nhà đất khu vực quận 2 TPHCM cao nhất khoảng 100 triệu đồng/m2, thì nay giá đã gấp đôi hoặc gấp ba. Điều này cũng xảy ra tương tự tại các khu đô thị Nam TPHCM và các khu vực khác, từ nội đô đến ngoại thành, khi giá đất tăng hơn gấp đôi hoặc hơn so với 10 năm trước. 

Chưa hết, giá nhà chung cư năm 2013, khởi đầu cho gói 30.000 tỷ đồng giải cứu thị trường nhà đất, trung bình 15 triệu đồng/m2, thì nay, theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường CBRE, giá căn hộ chung cư trung bình chủ đầu tư bán ra 43,5 triệu đồng/m2. Vấn đề là, giá nhà đất tăng, ai hưởng lợi?

Lợi đâu chưa thấy, nhưng chắc chắn thiệt hại đầu tiên là người dân, đối tượng chưa có nhà ở, người có thu nhập khá cũng như người có thu nhập trung bình, chưa nói đến người nghèo.

Một báo cáo của Công ty DKRA minh chứng: Với thu nhập 20-25 triệu đồng/tháng, người lao động khó mua được căn hộ bình dân với giá xấp xỉ 2 tỷ đồng/căn. Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, nhận định: “Một căn hộ 2 phòng ngủ, có giá thấp, nằm ngưỡng 2 tỷ đồng. Một đôi vợ chồng chỉ có một con, nếu có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, mỗi tháng tằn tiện lắm tiết kiệm được 6 triệu đồng, thì việc mua nhà ở khó thành hiện thực”.

Giấc mơ an cư của người dân xa vời, còn đối với nhà nước thì sao? Theo báo cáo của Sở TN-MT mới đây, so với tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020, tổng thu từ đất chỉ chiếm 3%-5% tổng thu ngân sách địa phương. Năm 2019 dự tính chỉ thu được khoảng 11.000 tỷ đồng nhưng năm 2016 đã thu được 17.100 tỷ đồng! Cần nhớ, đây là giai đoạn thịnh vượng của thị trường địa ốc, cơn sốt đất kéo dài liên tục, giá tăng không ngừng, chủ đầu tư bung hàng loạt dự án. Điều này ngược lại khi so sánh với các nước công nghiệp phát triển, nguồn thu từ đất chiếm 50%-90% tổng thu ngân sách địa phương, tạo nên nguồn lực rất lớn cho nâng cấp hạ tầng và dịch vụ công cộng tại đô thị. Vậy tiền đó đi đâu?

Thống kê sơ bộ trên sàn chứng khoán TPHCM đối với 5 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu niêm yết, có trụ sở tại TPHCM, năm 2018 công bố tổng lợi nhuận sau thuế gần 5.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể rất nhiều doanh nghiệp không niêm yết, sở hữu quỹ đất khổng lồ, chiếm thị phần khá lớn trên thị trường, như chủ đầu tư khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một ví dụ. Doanh nghiệp lợi nhuận cao, trong khi ngân sách thu ít, cũng xem như một “thất thoát” nguồn thu từ đất.

Tuy nhiên, lỗ hổng lớn nhất hiện nay trên thị trường bất động sản chính là thuế. Phổ biến nhất là thông đồng với nhau trốn thuế khi giao dịch nhà đất! Hiện nay, giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất, thu thuế lớn nhất là nộp thuế thu nhập cá nhân 2% trên tổng giá trị giao dịch. Trên thực tế giá đất đã tăng gấp nhiều lần, nhưng khi khai thuế vẫn theo mốc cũ, nên mức đóng thuế thấp. Đây chính là vấn đề nghiêm trọng, là lỗ hổng cho giới đầu cơ tung hoành, vì khi nhà đất mua bán qua lại, giá tăng lên nhiều lần, nhưng mức khai đóng thuế vẫn như cũ, đương nhiên lợi nhuận chui tọt vào túi nhà đầu cơ! Bên cạnh đó, dư luận đang “râm ran” về việc trốn thuế của các doanh nghiệp địa ốc rằng chủ đầu tư ký 2 hợp đồng với người mua, một hợp đồng chính thức để khai thuế thì giá thấp, còn hợp đồng kia thì không đóng thuế, nhưng người mua phải nộp đủ số tiền...

Nhìn chung, việc phát triển thị trường bất động sản đã đóng góp cực lớn cho nền kinh tế, phát triển xã hội, nhưng với tình trạng “thả lỏng” như hiện nay, giá leo thang liên tục sẽ làm nguồn lợi quốc gia suy kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nhà ở cho người nghèo, cũng như việc giải phóng mặt bằng để chỉnh trang, phát triển hạ tầng. Đất đai là nguồn lực đặc biệt hữu hạn, nhà nước cần có một chính sách tổng thể, minh bạch từ quy hoạch, chấp thuận đầu tư, cho đến hệ thống thuế. Thị trường chỉ phát triển lành mạnh khi cơ bản được triệt tiêu vấn nạn đầu cơ, lúc đó mới đi đúng quỹ đạo mà các nước phát triển trên thế giới đang làm: nguồn thu từ đất sẽ đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế, giải quyết an sinh xã hội. 

Tin cùng chuyên mục