Bà Đinh Thị Chính ở bản Ón, Thượng Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình là người phụ nữ Rục duy nhất được trao Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ”. Bà cùng chồng cũng vinh dự nhận huân chương kháng chiến. Dân bản ai cũng tự hào khi nhắc về bà Chính, bởi bà không giàu có nhưng có cả trăm đứa con, cháu, chắt học hành ngoan hiền, có ích cho bản làng gần xa.
110 con, cháu, chắt
Trong căn nhà đầu bản Ón, bà Chính vẫn còn dọn dẹp vườn tược cho mùa rau vụ mới. Đã 82 tuổi nhưng người đàn bà họ Đinh vẫn còn khỏe mạnh, không nhờ con cháu việc vườn tược nặng nhọc. Chồng của bà là cụ ông Trần Quyền, 86 tuổi, tai nghễnh ngãng nhưng đi lại, làm việc nặng vẫn thoăn thoắt. Bà nói: Cũng nhờ không khí trong lành, vận động chân tay thường xuyên nên sống thọ đến bây giờ.
Ngày xưa, bà và ông Quyền đều sinh ra từ hang đá. Lớn lên lấy nhau cũng trong hang đá. Sinh được 16 đứa con cũng trong hang đá ở hốc Cà Rung của vùng Ma Ma Cà Chắp. Bà Chính kể: “Bận đó còn chiến tranh, không có đường sá đi lại, thiếu thốn thuốc men. Đẻ được 16 đứa con thì 4 đứa chết trong hang đá. Phần chết vì khó khăn lạnh buốt, phần do hủ tục. Lúc mới sinh, đưa chúng ra suối nhúng chìm trong nước 3 lần nên đứa mô khỏe thì ở lại, đứa mô yếu thì đi với tổ tiên lên trời”. Hiện bà Chính còn 10 đứa con trai và hai con gái.
Gia đình bà con cái đề huề, cháu chắt nội ngoại đông đúc, ngoan hiền. Năm bà 80 tuổi, cả bản người Rục tổ chức đại thọ cho bà và ông Quyền. “Mấy đứa con họp lại, lấy giấy bút ra ghi ghi, chép chép. Hết thảy vợ chồng ta có 12 đứa con, 81 đứa cháu và 17 đứa chắt, cộng lại đúng 110 đứa sống gần gũi. Ta cùng chồng hứa sống với con cháu đúng 100 tuổi sẽ về với tổ tiên ở Ma Ma Cà Chắp”, bà Chính nhớ lại. Sở dĩ có tới 110 đứa vì bà tính cả những đứa cháu gọi bà bằng cô hoặc dì, bởi bố mẹ chúng là anh em với bà đã qua đời và một tay bà nuôi nấng chúng trưởng thành, nên xem bà cũng như người mẹ. Với người Rục, nhiều tiền bạc không bằng giàu có con cháu. Bởi thế khi nhắc đến gia đình bà, ai ở thung lũng Rục cũng quý mến bởi có “gia tài” con cháu đều nên người.
Tiên phong rời hang tối
Trên góc nhà của bà Chính, có một tấm huy chương đã úa màu. Ấy là Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ” do Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ký tặng. Bà nhớ lại, đó là những năm tháng người Rục còn ở hang đá, bộ đội biên phòng phát hiện và bà xung phong cùng bộ đội đến từng cụm hang vận động chị em người Rục nói với chồng con ra khỏi hang đá tối tăm để được chăm sóc y tế, sống cuộc đời bên ngoài để đỡ vất vả hơn. Bà là phụ nữ người Rục đầu tiên ra khỏi hang và được UBND xã cử làm cán bộ mặt trận xã những năm 60-70. Sau năm 1975, bà làm cán bộ phụ nữ xã, vận động đóng góp vốn liếng để ủng hộ người Rục phát triển kinh tế. Nghe lời bà, nhiều chị em người Rục đã rời hang để về thung lũng Rục Làn định cư. Chính vì thế, bà được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ”. Ngày nay tuổi già, bà được hưởng lương hưu gần 1 triệu đồng. “Dân bản của mình chưa giàu, nhưng có nhà để ở, có đất sản xuất, có bộ đội biên phòng bày cho cách trồng lúa nước nên thấy công sức của mình ngày xưa bỏ ra cũng tốt cho mọi người ở đây”, bà Chính nói. Nhà tuy đông con, nhưng bà vẫn động viên chồng góp sức theo kháng chiến. Hoàn thành nhiệm vụ, lúc về bản Ón, ông Quyền tự hào là người Rục duy nhất được nhận Huân chương Kháng chiến hạng nhất do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký tặng, còn bà Chính được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.
Bà Chính tuy tuổi đã cao nhưng vẫn tự chăm sóc vườn tược
Nay ông bà vẫn tự lao động và giúp dân bản nghèo. Khi giúp xóm làng chút gạo, lọ thuốc, lúc giúp trẻ em trong bản tấm áo, manh chiếu, chiếc chăn. Ai ốm đau, ông bà đều giúp chút tiền làm lộ phí đi bệnh viện. Ai tử vong không có tiền mai táng, đóng hòm, ông bà đều kêu con cái giúp đỡ nhiệt tình. Vì thế người ở Ón ai cũng mến bà Chính, ông Quyền.
Những đứa con theo Đảng
Bà Chính đông con nhưng cả vùng Thượng Hóa ai cũng nể phục bà đã cùng chồng hướng 12 đứa con sống có đạo hiếu với gia đình và xóm làng, một lòng theo Đảng phục vụ quê hương, trở thành tấm gương cho người dân 3 bản: Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ. Bà Chính cho biết: “10 đứa con trai, tôi động viên 6 đứa đi bộ đội thì có 5 đứa đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. 4 đứa còn lại ở nhà làm việc bản”. Trong 5 người con đi làm nhiệm vụ ở Lào, có Trần Xuân Phận được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Hiện anh Phận là bác sĩ, trở về công tác ở thị trấn Quy Đạt, huyện rẻo cao Minh Hóa.
Con trai thứ 6 của bà Chính là anh Trần Ngọc Lĩnh hiện công tác ở Đồn biên phòng Cha Lo, đóng quân cách nhà gần trăm cây số. Nhắc đến bộ đội Lĩnh, hầu hết những người Rục đều kính trọng vì anh đã dạy xóa mù chữ cho hơn 200 người Rục tại đây. Ngày Lĩnh chia tay bà con để lên đồn Cha Lo, ai cũng rưng rưng nước mắt, họ kéo nhau đi 20km băng rừng ra đường Hồ Chí Minh để chờ bóng người con của núi rừng khuất xa cuối con dốc Mà Ca mới lục tục trở về lại bản.
Những năm 1980, bà Chính động viên con gái Cao Thị Tiến đi học y sĩ để giúp dân chữa các bệnh đơn giản. Năm 1989, chị Tiến tốt nghiệp, trở về phục vụ dân bản. Người con gái thứ hai, chị Cao Thị Dần được bà động viên làm công tác phụ nữ ở Rục. Còn những người con trai khác, bà Chính tự hào kể: “Thằng Trần Xuân Tư, con út của mẹ hiện là trưởng thôn bản Ón; con thứ ba Trần Xuân Bộ chừ là phó trưởng công an xã rồi. Còn Trần Thanh Tâm làm kiểm lâm vì hắn giỏi đi rừng”. Bà Chính cũng rất tự hào vì trong số cháu, chắt hiện có 5 đứa học đại học và cao đẳng, chuẩn bị ra trường; không có đứa nào thất học.
Một gia đình như bà Chính đã làm cho người Rục tự tin hơn với thế giới bên ngoài. Và nhiều gia đình khác noi theo gia đình bà Chính nên ở bản Yên Hợp còn có Hồ Tiến Nam tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quảng Bình, trở về dạy chữ cho học sinh người Rục quê hương. Bà Chính nói: “Bây giờ có nhắm mắt cũng mãn nguyện khi thấy con cháu đã vững bước tương lai”.
MINH PHONG