Gia tăng cho vay đầu tư hạ tầng châu Á

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso tuyên bố Tokyo đang lên kế hoạch đưa ra sáng kiến mới nhằm thúc đẩy đầu tư trong việc tạo ra “cơ sở hạ tầng có chất lượng” ở châu Á thông qua sự phối hợp chặt chẽ với khu vực nhà nước và tư nhân của Nhật Bản.

Theo ông Aso, cơ sở hạ tầng có chất lượng, tuy chi phí xây dựng cao hơn, sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của khu vực, đồng thời giảm nhẹ gánh nặng tài chính trong việc duy trì cơ sở hạ tầng về lâu dài. Tuyên bố trên được ông Aso đưa ra tại một cuộc họp bên lề Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở thủ đô Baku của Azerbaijan.

Theo  báo Jakarta Post, ADB sẽ tăng khoản cho vay và nguồn vốn của mình thêm 40%, khoảng  20 tỷ USD mỗi năm nhằm tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng ở châu Á sau khi có bước đột phá là gộp chung Quỹ phát triển châu Á (ADF) dành cho các nước nghèo và nguồn vốn thông thường cho các thành viên có thu nhập trung bình (OCR). Cũng tại kỳ họp thường niên của ADB, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho biết quyết định trên sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2017. Theo ông Nakao, kết hợp các nguồn vốn giúp ADB tăng khoản cho vay lên ít nhất 40 tỷ USD vào những năm tới so với 23 tỷ USD trong năm 2014.

Chỉ riêng năm 2014, số tiền cho vay của ADB đạt 23 tỷ USD cũng là một kỷ lục. Cũng trong năm 2014, ADB và Ngân hàng Phát triển Hồi giáo mở rộng quan hệ đối tác đồng tài trợ cho đến năm 2017 với tổng số vốn hợp tác lên đến 2,5 tỷ USD cho các dự án trong những lĩnh vực bao gồm giao thông, năng lượng, phát triển đô thị, dịch vụ xã hội, nông nghiệp và phát triển khu vực tư nhân.

Theo Chủ tịch ADB, chỉ tính riêng OCR, dự báo sẽ tăng gần gấp ba, lên khoảng 53 tỷ USD trong năm 2017 so với 18 tỷ USD hiện nay. Điều này sẽ có lợi cho cả các nước nghèo và cả các nước thu nhập trung bình khi OCR và ADF được gộp chung. Ông Nakao bác bỏ lập luận cho rằng bước đi mới của ADB nhằm cạnh tranh với Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á (AIIB-do Trung Quốc khởi xướng) vì theo ông, nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng tại khu vực châu Á rất lớn, lên đến 8 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Điều đó cần thiết có thêm nhiều khoản vay. Tổng thư ký lâm thời của AIIB, ông Liqun Jin, khẳng định AIIB sẽ hợp tác với ADB và bổ sung cho nhau.

Trong khi đó, cũng liên quan tới nguồn cho vay cơ sở hạ tầng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn quyết định thành lập một quỹ dự trữ 100 tỷ USD để góp vốn cho khối BRICS (5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu bao gồm Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi). Nga dự kiến ​​sẽ đóng góp bước đầu 18 tỷ USD vào quỹ của BRICS sau khi Trung Quốc cam kết góp 41 tỷ USD. Các thành viên BRICS đã ký kết quyết định thành lập quỹ cho vay vào tháng 7-2014 tại Brazil. Quỹ này ngoài việc gia tăng đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có châu Á, còn nhằm giảm áp lực thanh khoản ngắn hạn. Nga sau khi bị cấm vận  xem đây là nguồn quỹ thay thế cho các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và WB.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục