Gia tăng sức ép lên Bờ Biển Ngà

20 ngày sau khi cuộc bầu cử Tổng thống kết thúc, Bờ Biển Ngà đã rơi vào tình trạng mất ổn định khi có đến 2 chính phủ trong một quốc gia. Bạo động giữa hai phe ủng hộ 2 chính phủ khắp nơi gây nhiều thương vong khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

  • Hơn 30 người thiệt mạng

Tranh cãi bắt nguồn từ sau sự kiện Tổng thống Laurent Gbagbo tuyên bố nhậm chức, bất chấp đối thủ, cựu Thủ tướng Alassane Ouattara, là người được Ủy ban bầu cử Bờ Biển Ngà cũng như cộng đồng quốc tế ủng hộ trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 28-11 vừa qua. 

 Trong 2 ngày 16 và 17-12, những trận giao tranh ác liệt đã xảy ra tại thủ đô Abidjan của Bờ Biển Ngà giữa các binh sĩ trung thành với ông Gbagbo và những người ủng hộ ông Ouattara. Giao tranh giữa hai bên khiến hơn 30 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Các cuộc biểu tình đụng độ cảnh sát cũng diễn ra tại các khu vực khác trong thành phố. Nhiều cuộc biểu tình biến thành bạo động, đẩy Abidjan và nhiều thành phố của Bờ Biển Ngà rơi vào hỗn loạn. Hầu hết các hoạt động thương mại tại những khu vực có biểu tình đều bị ngưng trệ hoàn toàn.

Nhiều nhà quan sát lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị đang xảy ra tại Bờ Biển Ngà sẽ đẩy nước này vào một cuộc nội chiến mới, giống những gì đã diễn ra ở quốc gia này năm 2002 và 2003, khi quốc gia Tây Phi này vào tình trạng căng thẳng và bị chia cắt giữa hai miền: Chính phủ kiểm soát miền Bắc, quân nổi dậy chiếm giữ miền Nam.

Sau nhiều tháng bị hoãn, cuộc bầu cử Tổng thống ở Bờ Biển Ngà được coi là bước đi cuối cùng trong tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhưng kết quả vừa qua đã làm cộng đồng quốc tế thất vọng.

  • Đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt 

 Sau thời gian đầu chờ vô ích sự dàn xếp nội bộ, thế giới đã hết kiên nhẫn và đang gia tăng sức ép hối thúc Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo chuyển giao quyền lãnh đạo cho ông Alassane Ouattara - ứng cử viên được quốc tế công nhận đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Bờ Biển Ngà tháng trước.

Phát biểu tại cuộc họp báo cuối năm với các phóng viên thường trú tại LHQ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh ông Ouattara phải được nhậm chức và “bất cứ kết quả nào khác sẽ là sự nhạo báng đối với nền dân chủ và trật tự pháp luật”.

TTK Ban Ki-moon cũng tuyên bố bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn cản các hoạt động của Phái bộ LHQ tại Bờ Biển Ngà và phong tỏa khách sạn Golf - nơi ông Ouattara trú ngụ và đặt văn phòng chính phủ của ông là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Hiện có khoảng 800 binh sĩ của LHQ được triển khai để bảo vệ khách sạn này.

Mỹ cũng cảnh báo sắp hết thời gian chuyển giao quyền lực ở Bờ Biển Ngà và Washington chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Gbagbo, gia đình cũng như những người thân cận của Tổng thống mãn nhiệm này, nếu ông Gbagbo “tiếp tục bám giữ quyền lực một cách bất hợp pháp”.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt đối với 18 nhân vật thân cận của ông Gbagbo, theo đó phong tỏa tài khoản ngân hàng và cấm cấp thị thực nhập cảnh cho các nhân vật này. Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã đình chỉ tư cách thành viên của Bờ Biển Ngà.

Hội đồng Bảo an LHQ cảnh báo tất cả các bên ở Bờ Biển Ngà “sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành động tấn công dân thường và sẽ bị đưa ra xét xử theo luật pháp quốc tế”. Hiện Liên minh châu Phi (AU) cũng ủng hộ ông Ouattara đắc cử Tổng thống Bờ Biển Ngà, song vẫn tìm kiếm giải pháp thỏa hiệp để ổn định tình hình

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục