Gia tăng trẻ mắc viêm cơ tim cấp

Liên tiếp thời gian gần đây, các bệnh viện (BV) nhi trên địa bàn TPHCM tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhi bị viêm cơ tim. Theo các chuyên gia y tế, viêm cơ tim là tình trạng các tế bào cơ tim bị tổn thương dẫn đến hiện tượng viêm, hoại tử tế bào cơ tim, ảnh hưởng đến chức năng co bóp của cơ tim.
Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhi 9 tháng tuổi bị viêm cơ tim cấp được chuyển từ Phú Quốc (Kiên Giang) về Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) điều trị. Ảnh: THÀNH SƠN
Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhi 9 tháng tuổi bị viêm cơ tim cấp được chuyển từ Phú Quốc (Kiên Giang) về Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) điều trị. Ảnh: THÀNH SƠN

Khó nhận biết dấu hiệu

Ngày 22-2, BV Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, vừa cứu sống một bé gái 4 tuổi bị viêm cơ tim cấp, nguy kịch khi đang đi du lịch tại Nha Trang (Khánh Hòa). Theo người nhà bệnh nhi, vài ngày trước khi nhập viện, bé bị mệt, sốt, khám tại một BV ở Quảng Ngãi không phát hiện bất thường, nhưng khi đến Nha Trang du lịch thì bệnh tình trở nặng. Bệnh nhi được đưa vào BV địa phương cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán viêm cơ tim cấp nên chuyển đến BV Nhi đồng 2 (TPHCM). Sau gần một tuần điều trị, bệnh nhi tự thở được, ngưng thuốc vận mạch, rút máy tạo nhịp tạm thời. Hiện bé đã hồi phục và xuất viện.

Còn tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Nhi đồng 1 (TPHCM) hiện đang điều trị cho 3 trẻ bị viêm cơ tim cấp, tình trạng nghiêm trọng. Trong đó, có 1 bệnh nhi 9 tháng tuổi bị viêm cơ tim nặng, tỷ lệ tử vong rất cao, được chuyển cấp cứu từ đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vào đất liền bằng máy bay. Theo PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Nhi đồng 1, thời điểm đưa vào BV, bệnh nhi đã suy hô hấp, trụy tim mạch, gan và thận tổn thương, xuất hiện cơn rối loạn nhịp trong quá trình cấp cứu. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng có nên chạy ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) ngay hay không, các bác sĩ quyết định sẽ theo dõi thêm cho bệnh nhi. May mắn là bệnh nhi đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, đến nay sức khỏe đã cải thiện đáng kể, tim và gan hồi phục mà không trải qua chạy ECMO hay lọc máu.

Theo các chuyên gia y tế, bất kỳ ai cũng có thể mắc viêm cơ tim, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng đặc biệt có nguy cơ viêm cơ tim nhiều hơn, cụ thể: người bị suy giảm miễn dịch (do bệnh HIV, điều trị ức chế miễn dịch do nhiễm HIV, đang điều trị ức chế miễn dịch, người mắc bệnh ung thư, người mắc bệnh tự miễn…); người có tiền sử nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm trùng.

PGS-TS Phạm Văn Quang đánh giá, trung bình mỗi năm BV chỉ tiếp nhận khoảng 9-10 ca viêm cơ tim cấp hoặc tối cấp. Riêng năm nay, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, BV đã điều trị 3 ca. Các triệu chứng của bệnh thường không điển hình, khó nhận biết nên dễ bỏ sót. Khởi đầu, trẻ thường sốt nhẹ, mệt mỏi, ho, sổ mũi hoặc nôn, buồn nôn. Trường hợp nặng, trẻ sẽ mệt, ngất, khó thở, đau ngực, tím tái, tay chân lạnh, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch.

Chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời

PGS-TS Phạm Văn Quang cảnh báo: viêm cơ tim tối cấp là bệnh cảnh rất nặng, xảy ra sau nhiễm siêu vi đường hô hấp hoặc tiêu hóa, gây trụy tim mạch, rối loạn nhịp tim dẫn tới tử vong nhanh. Bệnh thường do virus gây ra, phổ biến là virus Coxsackie nhóm B. Trường hợp trẻ bị viêm cơ tim nhẹ thì chỉ cần theo dõi, điều trị triệu chứng và sẽ khỏi bệnh sau 1-2 tuần; trường hợp trẻ bị viêm cơ tim cấp nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt, ngất, khó thở, đau ngực, tím tái, tay chân lạnh, rối loạn nhịp tim, trụy tim mạch… và cần phải hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc trợ tim, thuốc vận mạch, thuốc chống loạn nhịp tim, đặt máy tạo nhịp nếu cần thiết. “Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, cần đưa trẻ đến ngay BV để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, PGS-TS Phạm Văn Quang thông tin và cho biết, nếu bệnh nhi viêm cơ tim cấp đến bệnh viện kịp thời, được can thiệp ECMO, khả năng cứu sống trên 80% và quan trọng nhất là sau khi trẻ được điều trị thành công cũng không để lại di chứng.

Các dấu hiệu của viêm cơ tim có thể thay đổi tùy theo nguyên nhân và độ nặng nhẹ của bệnh. Các dấu hiệu thường gặp nhất là: đau ngực mơ hồ, tim nhanh hoặc loạn nhịp; khó thở, đặc biệt khi vận động thể lực; giữ nước khiến phù cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân. Nếu nhiễm virus thì có thêm các biểu hiện khác như: nhức đầu, đau nhức, đau khớp, sốt, viêm loét họng hoặc tiêu chảy... Để giảm thiểu nguy cơ mắc viêm cơ tim, cần tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm virus, cảm cúm và đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên. “Thông thường, viêm cơ tim không có biểu hiện rõ, vì vậy cần cảnh giác với bệnh, nhất là khi đang bị nhiễm virus hoặc nhiễm trùng”, PGS-TS Phạm Văn Quang thông tin.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 2, cho biết, viêm cơ tim là bệnh lý với đặc trưng diễn tiến nhanh, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh khởi phát với triệu chứng tương tự nhiễm siêu vi hoặc rối loạn tiêu hóa, vì vậy khi trẻ xuất hiện thêm các dấu hiệu nặng như mệt, tím tái, khó thở, phụ huynh cần đưa đến bệnh viện ngay để được can thiệp kịp thời.

Tin cùng chuyên mục