4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) đã có sự thay đổi được bệnh nhân đánh giá là “cơ bản”. Đến đây, có những nụ cười thân thiện của bác bảo vệ, sự nhiệt tình của anh giữ xe, thái độ ân cần của cô điều dưỡng và tấm lòng ấm áp của người thầy thuốc…
Những lá thư cảm ơn
“…Ngày 6-5-2009, tôi phải vào bệnh viện. Tôi sợ mình bệnh thì ít mà sợ nằm viện thì nhiều. Nhưng sau một tuần nằm ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Sau khi có kết quả xét nghiệm, tôi được cô hộ lý đưa lên Khoa Tổng hợp. Thấy cô ân cần, theo thói quen, tôi tặng cô tiền nhưng cô nhã nhặn từ chối. Mỗi ngày, các rap trải giường đều được thay mới dù tôi không xin xỏ hay lót tay hộ lý. Nhân viên, bác sĩ ở đây luôn miệng cười, chào hỏi người bệnh, dù gặp nhau nhiều lần trong ngày”. (Võ Thị Phượng, bệnh nhân giường 22, phòng số 8, Khoa Tổng hợp)
“Tôi - Nguyễn Văn Cao, 76 tuổi, thường trú 146 Nguyễn Xí, phường 12, quận Bình Thạnh. Trước đây, tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác phải chờ đến 3 - 4 tiếng mới được khám, nay thì khác hẳn. Nhân viên, bác sĩ vui vẻ, lễ phép, chỉ dẫn rành mạch chứ không gắt gỏng. Tuổi già tay run không thể viết nhiều. Xin Ban Giám đốc cho tôi gửi lời cảm ơn cô phục vụ lầu 2 Phòng Ngoại niệu 231. Cô lúc nào cũng vui vẻ, lịch sự, xứng đáng làm gương cho các nhân viên khác”.
“Con tôi được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện với tình trạng sốt cao, phù, chân tay tím tái. Cơ hội sống của con tôi quá mong manh, tinh thần gia đình hoàn toàn suy sụp. 18 ngày con tôi ở khoa, sự tận tình cứu chữa của bác sĩ, sự chăm sóc khéo léo và dịu dàng, tận tụy của các cô y tá, điều dưỡng đã từng phút, từng giờ giành lại cho con tôi sự sống. Con tôi như được sinh ra thêm lần nữa. Các vị xứng đáng với câu “Lương y như từ mẫu”. (Mẹ của Bảo Trung - Nguyễn Thị Búp)
Đó chỉ là 3 trong số hàng trăm lá thư mà bác sĩ Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ BV Nhân dân Gia Định đang cất giữ. Có bức thư chỉ là vài dòng viết vội nguệch ngoạc, có bức nét chữ run run, có bức lại được đánh máy cẩn thận vài trang giấy. Trong nước, ngoài nước, cá nhân, tập thể, đủ cả. Góc trái mỗi bức thư thường có mấy dòng bút phê nhỏ: “Phổ biến trong giao ban cán bộ chủ chốt” hoặc “Phòng Tổ chức cán bộ dán ở bảng tin bệnh viện”.
Nêu gương từ những tấm gương
Chủ nhân những dòng bút phê đó chính là bác sĩ Nguyễn Hoàng Giao, Giám đốc bệnh viện. Tôi hơi bất ngờ bởi nghĩ rằng ông quá bận rộn công việc chuyên môn, khó có thời gian quan tâm kỹ lưỡng đến chuyện hành xử của nhân viên với người bệnh. Thế nhưng, qua trao đổi với các bác sĩ ở đây mới biết, không chỉ quan tâm, nhiều lần ông còn trực tiếp giải quyết những “ca khó” trong mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhân viên bệnh viện.
Mới cách đây ít ngày, có ca sinh khó, bác sĩ nỗ lực hết mình nhưng vẫn không cứu được đứa trẻ. Người chồng sản phụ vì quá đau khổ nên dùng những lời lẽ hết sức nặng nề trút lên bác sĩ. Cô bác sĩ bật khóc tại chỗ, suy sụp tinh thần và có ý định xin thôi việc. Ngoài việc động viên cấp dưới của mình, chờ cho sự việc nguôi ngoai, BS Giao đã trực tiếp nói chuyện với người chồng sản phụ. Kết quả rất có hậu là người ấy đã tìm đến xin lỗi cô bác sĩ.
Khi triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban giám đốc bệnh viện xác định đây là cơ hội để thay đổi phong cách phục vụ người bệnh. Một “phương châm vàng” được đưa ra: “Không bao giờ đôi co với người bệnh”. Nhiều khóa học về kỹ năng giao tiếp được tổ chức. Những mẩu chuyện ứng xử hay trong thực tế công việc hàng ngày được ghi nhận, nêu gương tại cuộc họp hàng ngày. Nhân viên nào làm tốt được tuyên dương, khen thưởng đột xuất từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng. Những nhân viên ăn nói nhẹ nhàng, duyên dáng từ các bộ phận được tuyển chọn vào một đội chuyên trách. Hàng ngày, các cô mặc áo xanh đồng phục và “cắm chốt” tại những điểm có đông bệnh nhân để chỉ dẫn và giúp đỡ người bệnh. Dần dà, thói quen giao tiếp, đối đãi lịch sự, ân cần với bệnh nhân trở thành nếp nghĩ, nếp làm thường xuyên của tập thể 1.500 nhân viên bệnh viện.
“Điều mừng nhất là cho đến giờ phút này, phần đông nhân viên bệnh viện đều cảm nhận được giá trị thật của y đức. Đó không phải là cái gì cao xa, mà là những gì cụ thể, gần gũi, là công việc hàng ngày”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Giao chia sẻ.
* Trong số những mẩu chuyện tử tế mà chúng tôi nghe được tại bệnh viện, có chuyện về một bác sĩ. Trong một kíp trực đêm, đang cấp cứu cho một bệnh nhân tim đã ngừng đập nhiều lần, anh được tin bố mình hấp hối. Ông cụ bệnh đã lâu, không còn khả năng hồi phục. Anh về để bố nhìn mặt con lần cuối nhưng có thể bệnh nhân của anh sẽ chết. Đấu tranh giằng xé… rồi anh ở lại. 2 giờ sau, khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, anh chạy vội về nhà thì bố đã nhắm mắt. Chuyện của anh, không ồn ào, cũng không có nhiều người biết đến. Nhưng đã nghe một lần sẽ khó quên. |
Mai Hương