° Giá nhiều mặt hàng trong nước vẫn cao gấp 2 lần giá thế giới
(SGGP).- Sau 6 lần thay đổi, chiều 25-11, giá vàng SJC và PNJ-DAB đều chốt lại ở mức từ 16,95 triệu đồng đến 16,98 triệu đồng/lượng (thu vô) và 17,05 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng so với giá trước đó một ngày. Cùng ngày, giá vàng thế giới lúc 17 giờ dừng lại ở mức 812 USD/ounce, giảm 5,6 USD/ounce.
Dù giá vàng có chiều hướng giảm nhẹ nhưng giới đầu tư vẫn tranh thủ “xả” hàng rất nhiều. Cụ thể tại hệ thống Eximbank, khối lượng vàng thu vô chỉ trong buổi sáng đã lên đến 12.000 lượng. Tương tự, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), trong ngày khối lượng vàng thu vô cũng gấp đôi khối lượng vàng bán ra (hơn 2.500 lượng).
Khác với những ngày trước đó, hôm qua, khối lượng vàng giao dịch trên sàn ACB cũng tăng mạnh. Theo anh Huỳnh Duy Sang, Phó giám đốc Trung tâm giao dịch vàng ACB, tính đến 17 giờ 30, tổng khối lượng vàng giao dịch tại đây đạt gần 400.000 lượng.
Cùng với giá vàng, giá USD trên thị trường tự do chiều cùng ngày xuống mức 17.320 đồng/USD (thu vô) và 17.400 đồng/USD (bán ra), giảm 50 đồng/USD.
° Hôm qua, 25-11, Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ KH-ĐT) cho biết, trong tháng 11 giá một số nguyên liệu trên thế giới tiếp tục giảm: dầu thô giảm xuống dưới 50-60 USD/thùng (khoảng 350-420 USD/tấn) và hiện ở mức dưới 50 USD/thùng (so với mức cao điểm 147 USD/thùng vào tháng 7); phôi thép tiếp tục duy trì ở mức 300-320 USD/tấn; các kim loại khác cũng đồng loạt giảm giá... Sự giảm giá nguyên liệu trên thị trường thế giới tác động đến giá các mặt hàng này ở trong nước tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, theo Vụ Kinh tế công nghiệp, mức giảm giá chưa tương xứng với mức giảm trên thị trường thế giới: giá thép xây dựng giảm còn 10-11 triệu đồng/tấn, xăng bán lẻ giảm còn 13.000 đồng/lít (tương đương khoảng 750 USD/tấn), giá phân urê giảm còn 6 triệu đồng/tấn… Như vậy, hiện nay giá nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu trong nước vẫn cao hơn (gấp 2 lần) so với giá trên thị trường thế giới, và được các doanh nghiệp nhập khẩu giải thích do phải tiêu thụ hết lượng hàng nhập khẩu lúc giá còn cao.
Vụ Kinh tế công nghiệp kiến nghị thời gian tới cần có biện pháp thúc đẩy cạnh tranh và kiểm soát giá cả để các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu đảm bảo việc giảm giá các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, sắt thép, xi măng, cước vận tải xuống mức giá hợp lý (trên cơ sở giá đầu vào + mức lãi hợp lý), tiệm cận với giá trên thị trường thế giới, góp phần giảm lạm phát và có lợi cho người tiêu dùng trong nước.
° Chiều qua (25-11), Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,76% so với tháng 10. Dù là tháng cuối năm nhưng việc CPI tiếp tục âm cho thấy rõ nét hơn những nguy cơ về giảm phát. Như vậy, 11 tháng, CPI dừng lại ở mức 20,71%. Trong số 10 nhóm hàng hóa tính chỉ số, vẫn có tới 7 nhóm tăng giá nhưng với 3 nhóm giảm giá lại chiếm tỷ trọng lớn nên CPI tiếp tục âm.
Trong đó, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm mạnh nhất: 4,86%; nhóm phương tiện đi lại và bưu điện giảm 4,4% do giá xăng liên tục điều chỉnh giảm; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,07% (trong đó, thực phẩm tăng 0,91%, hàng ăn uống ngoài gia đình tăng 1,34%, lương thực giảm 3,1%). Tháng 11, chỉ số giá vàng giảm 5,8%, trong khi USD tăng 2,1%. Như vậy, so với cuối năm 2007, giá vàng tăng 34,49% và USD tăng 2%.
Trong 10 tỉnh thành xem xét tính chỉ số giá, duy nhất Hà Nội tăng, với mức 1,07%. Mức giảm mạnh nhất là Cần Thơ: 1,41%, Gia Lai giảm 1,28%, TPHCM giảm 0,8%…
L.M.THI - B.MINH - Ng.Q.