Gần đây, dư luận xôn xao, bức xúc chuyện các hãng hàng không đề xuất tăng giá trần vé máy bay. Trong thời điểm giá cả đang nóng sốt mà ngành nào, doanh nghiệp nào cũng dựa vào đó để đòi tăng giá thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ bị đẩy lên cao.
Nếu với mức giá vé máy bay mới, chuyến TPHCM – Hà Nội lên đến 8 triệu đồng thì chiếc vé sẽ “ngăn sông cấm chợ” giữa các địa phương, bởi chẳng có cán bộ công chức nào có mức lương bằng… một chuyến bay! Giá vé máy bay tăng, ngân sách sẽ tăng chi cho lãnh đạo đi họp; công tác thu hút đầu tư, đi lại của các doanh nghiệp (DN) cũng gặp khó khăn…
- Giá tăng 2 lần/năm
“Mới tăng giá 20% vào giữa tháng 4, chỉ sau vài tháng các hãng hàng không lại tiếp tục đề xuất tăng thêm 1,5 lần giá trần vé máy bay nội địa, quả là điều bất hợp lý”- chị Nguyễn Thị Nhung, chủ một DN bức xúc nói. Chị phân tích, trong lúc cả nước kêu gọi bình ổn giá, kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng, thế mà một doanh nghiệp vốn dĩ là “con cưng” của nhà nước lại không làm gương, đòi tăng giá 2 lần trong một năm.
Một số người khác cho rằng, giá vé máy bay trong nước đã cao rất nhiều so với các chuyến quốc tế, vậy dựa vào căn cứ nào để các hãng hàng không lại đòi tăng giá vé? Tại các cuộc hội thảo gần đây, các DN bức xúc việc đề xuất tăng giá vé máy bay, trong khi các phương tiện vận tải khác chưa đáp ứng được nhu cầu. Nếu đi từ Bắc vào Nam bằng đường tàu lửa thì mất cả ngày, còn đi bằng đường bộ không những tốn thời gian mà còn ngán ngại tai nạn giao thông. Riêng tuyến đường bộ đoạn qua miền Trung vừa chật hẹp, vừa thi công không đảm bảo chất lượng, hàng năm không biết bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra khiến mọi người kinh hoàng. Do vậy, phương tiện đi lại chủ yếu của các DN, nhà đầu tư hiện nay là đường hàng không, nhưng giờ giá vé cao như thế việc di chuyển phải tính toán. Việc hợp tác đầu tư, liên kết, mở hệ thống của các DN tại các tỉnh, thành khác nhau sẽ tăng chi phí đi lại, tăng thêm phần khó khăn cho các DN.
Chị Nguyễn Thị Loan, quê ở Hà Nam, nhân viên của một công ty ở TPHCM, than thở: “Giá vé máy bay tăng như thế, tự dưng mình thấy quê mình trở nên xa hơn, chắc phải lâu lắm mới làm đủ tiền về thăm quê. Còn đi bằng ô tô, thời gian đi - về cũng đủ hết phép, còn thời gian đâu để thăm gia đình, bà con…”.
- Chuyện “độc quyền”
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh lập luận rằng: “Tăng giá trần lên mức 1,5 lần thì các hãng hàng không mới có thể đảm bảo hoạt động trong bối cảnh chi phí đầu vào đang tăng mạnh hiện nay. Nếu được tăng giá trần, các hãng hàng không mới có thể đa dạng các giá vé nội địa và hành khách có nhiều sự lựa chọn”. Thế nhưng, đa số người dân và DN không tán thành. Bởi các chi phí khác có tăng thật nhưng các hãng hàng không chưa thật sự khó khăn, vì khó khăn thì không có chuyện lương bổng của nhân viên cao ngất ngưởng như thế. Các công ty con, các dịch vụ mặt đất hiện vẫn đang thu lợi nhuận rất lớn. Vậy tại sao ngành hàng không không điều chuyển lợi nhuận giữa các công ty để giải quyết khó khăn mà lại chọn phương án tăng giá vé – đó là chưa kể dịch vụ nhiều năm qua không tăng chất lượng bao nhiêu – để đẩy các khó khăn này về cho nhà nước và xã hội gánh chịu?
Các hãng hàng không còn lập luận, giá vé chỉ tăng vào những giờ cao điểm, nhưng thực tế hầu hết chuyến bay tập trung vào giờ cao điểm, trong ngày đâu có mấy chuyến bay vào giờ thấp điểm. Và như hiện nay, giá vé thấp điểm các hãng cũng giảm dựa trên tỷ lệ phần trăm của giá trần, như thế khi giá trần tăng, giá vé thấp điểm cũng sẽ tăng theo. Kiểu gì cũng là tăng giá, mà lại tăng giá ở những DN chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong ngành càng khiến cho người dân khó chấp nhận.
Ở thế “độc quyền”, khi cần DN xin nhà nước hỗ trợ thì báo cáo lỗ, khi cần quảng bá để bán cổ phiếu thì lại báo cáo lời. Không thể chấp nhận vì độc quyền, các DN này vô tư quản lý kém, tăng chi phí để rồi kêu lỗ, nhà nước và xã hội gánh chịu như thế được.
HÀN NI