Gia vị, hương liệu Việt Nam “đắt khách” ở nước ngoài

Chiều 8-9 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị kết nối giao thương, đưa sản phẩm gia vị, hương liệu Việt Nam ra thế giới. 

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, ông Lê Hoàng Tài khẳng định, ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị, hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung gia vị và hương liệu quan trọng cho thị trường thế giới. 

Hội nghị của Bộ Công thương về xuất khẩu gia vị vào chiều 8-9

Trên thế giới, EU là thị trường tiêu thụ lớn nhất về gia vị, tiếp theo là Bắc Mỹ, Đông Á và một số nước Nam Á, Trung Đông... “Trong EU, Đức là nước tiêu thụ hàng đầu gia vị và thảo mộc, tiếp theo là vương quốc Anh” – ông Lê Hoàng Tài thông tin. Ở các thị trường này, nhiều năm qua, do nhận thức của người tiêu dùng tăng về phong cách sống có lợi cho sức khỏe nên đã thịnh hành xu hướng tiêu dùng gia vị, hương liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường và được nuôi trồng canh tác theo lối hữu cơ, thay thế cho đường, muối và các sản phẩm nhân tạo.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam, với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên có sự đa dạng sinh học, từ đó có thể tạo ra những nông sản, các loại gia vị và hương liệu có hương vị, chất lượng đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới.

Sau khi Việt Nam kiểm soát tình hình dịch Covid-19, các địa phương và doanh nghiệp cần có kế hoạch khôi phục sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến để chế biến, đa dạng loại hình sản phẩm, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để tham gia thị trường này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gia vị, hương liệu ra thế giới. 

Tại hội nghị này, ông Trần Trọng Kim, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia thông tin, quốc gia này có 34 triệu người (100% người gốc Ả Rập theo đạo Hồi) tiêu thụ rất nhiều loại gia vị khác nhau, hầu hết là nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam. 

Tại Saudi Arabia, các loại thảo mộc, gia vị như quế, hồi, đinh hương, nhục đậu khấu, hạt tiêu và nhiều loại khác được thêm vào tất cả các món ăn; ngoài ra, Saudi Arabia còn sử dụng muối, hỗn hợp gia vị, ớt bột, nghệ, gừng... 

Theo ông Lê Hoàng Tài, trong các loại gia vị thì hạt tiêu của Việt Nam là sản phẩm được thế giới "săn tìm"

Các kênh phân phối chính của thảo mộc, gia vị và hương liệu tại Saudi Arabia là đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ điện tử và các kênh khác. Vật liệu đóng gói chính cho các loại thảo mộc, gia vị và gia vị ở Saudi Arabia là thủy tinh, bao bì linh hoạt, giấy và bìa, nhựa cứng và các loại khác. Các thùng đóng gói có nhiều loại khác nhau như lọ, chai, túi (gói), bồn, hộp, túi và ống.

Theo quan sát, lĩnh vực thảo mộc hữu cơ, gia vị, nước sốt ở đây tăng trưởng nhanh do dân số tăng, sức mua và tiêu dùng nhiều hơn. Các loại gia vị hữu cơ như ớt cay, vani, gừng, quế và tiêu đen chiếm thị phần chính trong thị trường thảo mộc, gia vị và các biến thể khác của các sản phẩm có sẵn. “Saudi Arabia có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm nước chấm, nước xốt và gia vị cao cấp trong những năm tới” – ông Trần Trọng Kim dự báo.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Saudi Arabia năm 2020 đạt 460 triệu USD. Trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 225 triệu USD.

Các loại gia vị, hạt tiêu mà quốc gia này nhập từ Việt Nam có kim ngạch khoảng 10 triệu USD mỗi năm.

Tin cùng chuyên mục