“Giấc mơ điện ảnh” và tình yêu nghệ thuật…

“Giấc mơ điện ảnh” và tình yêu nghệ thuật…

Sau thành công với “Người đàn ông của trời” (phóng tác theo truyện ngắn “Làn môi đồng trinh” của nhà văn Võ Thị Hảo), đạo diễn trẻ Đức Thịnh được sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần mời dựng tiếp kịch bản thứ hai “Giấc mơ điện ảnh” * và hiện nay, vở diễn này cũng đang thu hút đông đảo khán giả đến xem…

Từ kịch ngắn 45 phút “Hãy là mình” của tác giả Tấn Đức kể về một anh chàng nhà quê lên thành phố học đòi đóng phim và cuối cùng thất bại… đạo diễn Đức Thịnh đã viết thêm, chuyển thành kịch dài “Giấc mơ điện ảnh” với nhiều điều đáng suy ngẫm. Vở diễn kể về ê kíp làm phim trẻ của đạo diễn Văn Tài (Thanh Hoàng) vào nghề với tình yêu nghệ thuật mãnh liệt đã đưa họ đoạt được giải thưởng cao trong liên hoan phim quốc tế. Sau giải thưởng ấy, cả ê kíp nổi lên như diều gặp gió, luôn được các nơi mời gọi tấp nập và mạnh ai nấy tranh thủ làm nhanh để… chạy sô kiếm tiền.

“Giấc mơ điện ảnh” và tình yêu nghệ thuật… ảnh 1

Các diễn viên Việt Hà (trái), Mỹ Uyên (phải) và Thanh Hoàng (đứng sau) trong vở “Giấc mơ điện ảnh”.

Đạo diễn, trợ lý đạo diễn tranh nhau nhận làm cùng lúc cả chục bộ phim, nhiều đến nỗi không ai còn nhớ đến nội dung của bộ phim chuẩn bị quay là gì và diễn viên tham gia tên gì. Diễn viên chính mới nổi lên thì chạy sô quay quảng cáo liên tục và làm việc giờ giấc không nghiêm túc.

Cả anh chàng quay phim rất cẩn trọng ngày nào nay làm cẩu thả cho xong để còn đi sô khác... Từ đó, các bộ phim của ê kíp này ngày càng mất dần đi những cảnh phim, góc máy đặc sắc, tạo ấn tượng cho người xem như ngày nào.

Cho đến khi, anh chàng kỹ thuật âm thanh, ánh sáng của ê kíp làm phim – người luôn tỉnh trí, giữ được tình yêu nghệ thuật, không bị đồng tiền lôi kéo, cảm thấy đau lòng, xin nghỉ việc và nhắc lại những ấn tượng đẹp, cả nể trọng của anh đối với từng cá nhân trong ê kíp khi mới vào nghề thì mọi người mới sực tỉnh, nhìn lại mình. Tất cả cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương và họ quyết tâm làm lại từ đầu bằng một tình yêu nghệ thuật mãnh liệt của ngày nào, dù muộn còn hơn không…

Nhìn chung, các vấn đề “Giấc mơ điện ảnh” đưa ra khá nóng bỏng và nhạy cảm, phản ánh những thực tế đau lòng trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay. Chính điều này đã tạo nên một sức hút đối với người xem. Đạo diễn Đức Thịnh cho biết: “Tôi muốn gởi gắm những tâm tư của mình, nói lên những hình ảnh không hay của một số người không riêng gì giới điện ảnh mà cả sân khấu”. 

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục